Khởi nghiệp từ làng nghề truyền thống

Tỉnh Bắc Ninh có nhiều làng nghề truyền thống, song các làng nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một vì người dân không còn mặn mà với nghề. Trước thực tế đó, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó, việc giữ chân lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao. Nổi bật nhất là Đề án hỗ trợ Thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025, hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả.

Ông chủ đồ đồng mỹ nghệ 9X

Là một trong số những làng có nghề gò, đúc đồng truyền thống lâu đời, đến nay làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định được vị thế của làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Việt Nam với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng. Kế thừa nghề gia truyền từ đời trước để lại, nhiều thanh niên Đại Bái không chỉ có thu nhập cao mà còn giúp nhiều lao động trẻ khác có việc làm ổn định, trong đó phải kế đến "ông chủ 9X" Hoàng Văn Điệp.

Hoàng Văn Điệp sinh năm 1991. Từ nhỏ với sự cầm tay chỉ việc của bố, Điệp bắt đầu làm quen với nghề đúc đồng và có cho riêng mình những sản phẩm đầu tay như chiếc mâm, cái xoong, chiếc bình... Sau thời gian dài miệt mài, rèn giũa, kỹ thuật đúc đồng của Điệp trở nên điêu luyện hơn, từ đó anh bắt đầu chạm khắc đồ mỹ nghệ. Dù có tay nghề nhưng bản thân Điệp vẫn chưa hài lòng nên anh đã tìm đến những nghệ nhân trong làng để bổ túc tay nghề. Với sự cần cù, sáng tạo, Điệp cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp và tinh xảo hơn như lư hương, đỉnh đồng đến đôi hạc, bức tranh, hoành phi, câu đối...

Khi vững tay nghề, Hoàng Văn Điệp bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình. Đầu năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp thanh niên của tỉnh Bắc Ninh, với số tiền vay 2 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm. Với số tiền vay, cùng số vốn tự có của gia đình, Điệp cùng em trai là Hoàng Văn Quân thành lập cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng, với tổng số vốn 10 tỷ đồng, chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ đồng như lư hương, đỉnh đồng, câu đối, hoành phi...Nhờ vậy, đến nay, cơ sở của Điệp tạo công việc thường xuyên cho 30 lao động.

 Nói về quá trình tiếp cận vốn thanh niên, anh Hoàng Văn Điệp cho biết, trước đây khi mới bắt đầu mở xưởng, anh phải làm rất nhiều thủ tục mới được vay vốn tại một ngân hàng với lãi suất cao. Hàng tháng, anh chi phí khá lớn cho việc trả lãi. Đến nay, khi được tiếp cận vốn vay khởi nghiệp thanh niên, quy trình cấp vốn nhanh, lãi suất thấp nên anh thấy rất hài lòng. Điều này thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền đối với hoạt động khởi nghiệp của thanh niên.

Với thành công bước đầu, đến nay, anh em Điệp đã được bố mẹ cho tiếp quản thêm hai cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng mỹ nghệ của gia đình. Hiện, trung bình mỗi tháng, anh em Điệp thu được 3 tỷ đồng từ ba cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng mỹ nghệ, trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng, từ đó, tạo công ăn việc làm cho 90 lao động, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Thôn Phúc Tinh, xã Tam Sơn nổi tiếng với nghề mộc, nhưng anh Nguyễn Hữu Kiên, sinh năm 1984 là ngoại lệ, bởi anh không phải con nhà nòi. Đến với nghề mộc khá muộn nhưng với sự đam mê, học hỏi, giờ đây, anh Kiên đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có tiếng ở địa phương.

Những ngày đầu tiên mới vào nghề, không kiến thức, không nhà xưởng, không vốn, Nguyễn Hữu Kiên chỉ có một thứ duy nhất, đó là sự đam mê. Anh Kiên cho biết, sau nhiều năm làm ăn xa, năm 2010, anh quyết định trở về hương để tìm kiếm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Nhận thấy ở địa phương đang phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, anh đã xin vào một xưởng gỗ gần nhà để học việc. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn Kiên đã có thể tự đóng được chiếc bàn, cái ghế đơn giản.

Chú thích ảnh

"Tiếp cận nghề mộc khi đã 26 tuổi nên tôi cố gắng học hỏi từ những người có tay nghề. Để nâng cao tay nghề, tôi và một người bạn đã góp tiền để mua hai khối gỗ về đóng thành những chiếc ghế ngồi trong gia đình. Được sự góp ý của mọi người, tôi dần cải thiện được tay nghề, năm 2010, tôi đã bán được 50 bộ ghế", anh Kiên nói.

Sẵn có mặt bằng, cộng với số vốn tích lũy, năm 2011, Nguyễn Hữu Kiên đã quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Để nâng cao tay nghề, Kiên đã tìm đến các sở sản xuất lớn để học hỏi kinh nghiệm, cũng như lên mạng tìm hiểu những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay, mỗi năm cơ sở của Kiên cho doanh thu từ 7-8 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi từ 200-300 triệu đồng. Từ đó, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/ tháng.

Trước đây, chị Nguyễn Thị Hiền, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn rất vất vả để tìm việc, từ khi cơ sở sản xuất của anh Kiên đi vào hoạt động, chị đã có công việc ổn định.

"Trước đây, tôi phải đi xe đạp 4-5 km để phụ việc cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ ở phường Đồng Kỵ, ai thuê gì tôi làm nấy nên cuộc sống bấp bênh. Từ khi làm việc tại cơ sở của anh Kiên, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, con cái được học hành đầy đủ, gia đình có của ăn, của để", chị Hiền nói.

Khi cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đang phát triển, năm 2019, anh Kiên đã gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ sản xuất. Được sự tư vấn của Đoàn xã Tam Sơn, anh Sơn được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp thanh niên của tỉnh Bắc Ninh, với số vốn vay là 400 triệu đồng. Sẵn có vốn trong tay, anh đã liên hệ với các đối tác để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Anh Kiên chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh vẫn hoạt động hiệu quả. Nhờ nguồn nguyên liệu gỗ có sẵn nên các đơn luôn đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng../.

Thái Hùng- Quang Nhiều –Thanh Thương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN