Ở nhiều địa phương, hệ thống giáo dục mầm non vẫn còn gặp nhiều bất cập, nhất là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Để có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra của bậc học mầm non theo Nghị quyết 29, Đảng, Nhà nước cần tăng cường thay đổi cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực của xã hội để chăm lo cho bậc học này.
Cần làm tốt quy hoạch mạng lưới trường lớp
Những năm gần đây, các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng với nhu cầu về lao động tăng cao đã dẫn tới sự gia tăng dân số nhanh tại khu vực này. Từ đó, nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân cũng tăng cao.
Theo thống kê, tính đến tháng 12/2016, toàn quốc có khoảng 325 khu công nghiệp được thành lập, với gần 3 triệu công nhân, trong đó khoảng 1,2 triệu lao động nữ. Sự gia tăng dân số cơ học tạo áp lực cho các trường công lập, vì hầu hết các địa phương đều thiếu quy hoạch dự báo trước.
Toàn quốc hiện có khoảng 1.500 nhóm lớp độc lập tư thục. Những nhóm lớp này giá rẻ, phục vụ được nhu cầu của con em công nhân, tuy nhiên điều kiện đảm bảo an toàn trong các cơ sở này rất hạn chế.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hiện nay, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, không đảm bảo quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường lớp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Thực tế cho thấy, đất dành cho trường học là “của hiếm” mặc dù trong quy hoạch, các cấp quản lý đều yêu cầu phải có đủ trường học cho học sinh. Không ít trường hợp, nhà đầu tư bỏ quên yêu cầu xây trường, còn cơ quan giám sát cũng “quên” không có biện pháp xử lý quyết liệt.
Ông Nguyễn Bá Minh chia sẻ: Để giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, Bộ hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và xây dựng hệ thống quy chuẩn trường lớp mầm non để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc phát triển trường lớp, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ mầm non, cũng như trong việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập theo quy hoạch chung của địa phương.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khuyến cáo các địa phương cần thực hiện tốt dự báo quy hoạch, kế hoạch từng năm và 5 năm cho giáo dục mầm non. Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần tích cực lồng ghép việc xây dựng trường lớp cho trẻ mầm non gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo..., giảm đến mức thấp nhất phòng học nhờ, học tạm, tăng số lượng trường lớp dạy học hai buổi/ngày.
Những năm qua, việc huy động các nhà đầu tư tham gia phát triển các cơ sở giáo dục mầm non đã được đẩy mạnh. Nếu năm 2013 chỉ có khoảng 12% trường ngoài công lập, thì hiện nay con số đó đã lên đến khoảng 18%. Dù chênh lệch hơn 6% nhưng con số cụ thể là hàng nghìn trường.
Ngoài chính sách chung của Nhà nước nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thì các địa phương cũng có chính sách riêng như miễn thuế, tạo điều kiện về đất đai, tín dụng, cắt giảm các thủ tục hành chính, nên đã khuyến khích hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển. Một số địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập cao như Đà Nẵng (66.03%), Bình Dương (66.02%), Thành phố Hồ Chí Minh (62.83%), Bà Rịa - Vũng Tàu (33.33%), Đồng Nai (30.98%), Hà Nội (30.58%), Hải Phòng (28.74%), Lâm Đồng (24.45%).
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho rằng: Phải có cách tiếp cận phát triển giáo dục mầm non thích ứng với điều kiện thực tế vùng miền; trong đó ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục mầm non. Nhà nước cần tiếp tục có chính sách thích hợp nhằm huy động toàn xã hội cùng chăm lo cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, huy động sự đóng góp nguồn lực của gia đình và toàn xã hội để phát triển đa dạng các loại hình giáo dục mầm non: Công lập, dân lập và tư thục.
Linh hoạt cơ chế tuyển dụng giáo viên
Cùng với việc thiếu trường lớp, việc thực hiện các quy định về đội ngũ giáo viên mầm non cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng. Định mức giáo viên/lớp thấp, một số địa bàn đông dân cư, số trẻ/lớp vượt quá quy định. Vì vậy, một số địa phương đã chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy cấp mầm non, nhưng chưa qua đào tạo, tập huấn, thiếu kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở khối ngoài công lập thấp (bình quân đạt 1,4 giáo viên/lớp). Đội ngũ này thường xuyên biến động do thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ…
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay, ông Nguyễn Bá Minh,Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng giáo viên mầm non thiếu hụt. Trước hết là do số trẻ đến trường càng ngày càng tăng và tăng rất nhanh, mỗi năm trẻ mầm non đến trường tăng 250.000 trẻ trong toàn quốc, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu biên chế giáo viên ở các tỉnh gần như không tăng do đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Số lượng giáo viên tuyển ở các cấp học phổ thông có xu hướng thừa so với nhu cầu nên không còn biên chế cho giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục còn bất cập và mang tính cơ học, thiếu giáo viên mầm non theo định mức nhưng các địa phương không được ký hợp đồng lao động với giáo viên nên không thể bố trí đủ giáo viên.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Bá Minh: Cần thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm các điểm trường lẻ, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập trường mầm non ngoài công lập; lập phương án chuyển một số trường mầm non công lập thành trường ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao để các trường ngoài công lập có thể chủ động bố trí giáo viên; xây dựng cơ chế, chính sách chuyển một số trường công lập sang hình thức trường công lập tự chủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ điều chỉnh sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức nói chung và viên chức giáo dục nói riêng một cách hiệu quả.
Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ, chuyên gia của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương phân tích: Căn nguyên của việc thiếu giáo viên mầm non là do thiếu cơ chế nên nhiều địa phương thiếu nhưng không được phép tuyển. Do vậy, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, rà soát, đề xuất giải pháp khắc phục bất cập về chế độ, chính sách chung. Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố cần có cơ chế thích hợp để tuyển dụng giáo viên mầm non trong bối cảnh tăng trẻ, tăng lớp hằng năm, nhưng số giáo viên không đủ đáp ứng. Thực tế cho thấy, để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên cho giáo dục mầm non, cần nhiều giải pháp tổng thể của các cấp, các ngành, cũng như sự linh hoạt phù hợp thực tiễn từ các địa phương.
Ngoài vấn đề đảm bảo đủ biên chế giáo viên, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, mức lương cho giáo viên phải đảm bảo đủ khuyến khích và giúp giáo viên yên tâm với nghề.