Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được thực hiện trong bối cảnh kinh tế đất nước rất khó khăn, xuất phát điểm của giáo dục mầm non rất thấp. Đầu tư cho phổ cập không đảm bảo mục tiêu như kế hoạch. Song đây là một chủ trương đúng đắn, nhân văn nên công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã được xã hội tích cực hưởng ứng. Việc cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của bậc học này, đồng thời tạo đà cho quá trình đầu tư, phát triển bậc học mầm non.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
Chia sẻ về những kết quả nổi bật của giáo dục mầm non sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2013 mới có 11 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn thì đến năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Mạng lưới cơ sở vật chất được đầu tư phát triển và từng bước được chuẩn hóa, về cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Năm 2013, số trường mầm non là 13.734 trường, hiện nay là 15.394 trường (tăng 1660 trường); năm 2013 tổng số phòng học là 148.878 phòng, hiện nay là 197.104 phòng, tăng 48.226 phòng; năm 2013, tỷ lệ phòng học kiên cố là 59,8%, hiện nay là 72,17%, tăng 12,37%.
Đội ngũ giáo viên cũng tăng về số lượng, từng bước chuẩn hóa về chất lượng; chính sách với giáo viên mầm non đã được quan tâm hơn trước đây. Tổng số giáo viên mầm non tăng 98.184 người, tất cả giáo viên mầm non được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như giáo viên các cấp học khác.
Số trẻ mầm non đến trường tăng nhanh, với tổng số trẻ đến trường hiện nay là hơn 5,6 triệu trẻ, tăng hơn 1,1 triệu trẻ so với năm 2013; bình quân mỗi năm trẻ em mầm non đến trường tăng khoảng 230 nghìn trẻ. Hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới theo định hướng toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm và với phương châm học mà chơi, chơi mà học. Chương trình giáo dục mầm non đảm bảo phát triển những phẩm chất, năng lực mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa tiềm năng, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em; chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.
Bên cạnh thành tựu đạt được, các chuyên gia giáo dục cũng phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức của giáo dục mầm non hiện nay. Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho rằng: Thực tế hiện nay, quy mô phát triển giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn còn thấp và còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước.
Ở một số nơi, giáo dục mầm non còn thiếu cơ sở vật chất, trường lớp không đủ, mới chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi hoặc trường lớp không đảm bảo điều kiện làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng thiếu cơ sở giáo dục mầm non, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ… Một số nơi vùng núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục, vẫn còn phòng học tạm, học nhờ; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều nơi còn thiếu thốn. Đặc biệt, thiếu giáo viên mầm non là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.
Khắc phục sự chênh lệch giữa các vùng miền
Trước những thách thức đặt ra với giáo dục mầm non hiện nay, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, cần tạo điều kiện để trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục mầm non cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, đồng thời khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển giáo dục mầm non giữa các vùng miền.
Tiến sĩ Trịnh Văn Tùng, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương cho rằng: Việc nâng chuẩn là vấn đề quan trọng nhất trong phát triển giáo dục mầm non. Chương trình giáo dục mầm non hiện nay đang chuyển hướng từ phương thức giáo dục truyền thống với cách giảng dạy theo giáo trình cứng nhắc, quy tắc, sang mô hình giáo dục linh hoạt, tăng quyền tự chủ của giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Các cô giáo nhận định khả năng riêng của từng học sinh để áp dụng chương trình dạy và học riêng cho học sinh đó. Phương pháp giảng dạy linh hoạt hơn đòi hỏi các giáo viên phải có tay nghề cao hơn và có khả năng cá thể hóa kế hoạch học tập cho học sinh. Vì thế, giáo viên phải được đào tạo bài bản, đây là một trong những điều kiện để đổi mới giáo dục mầm non thành công.
Tiến sĩ Trịnh Văn Tùng cũng nhấn mạnh: Để bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non, không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ như thời gian qua, cần có quy định, người trực tiếp chăm sóc trẻ ở các cơ sở ngoài công lập phải có bằng hoặc chứng chỉ đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ mầm non và có phẩm chất đạo đức phù hợp. Các cơ quan chức năng nghiêm cấm việc tuyển dụng người chưa qua đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp chăm sóc trẻ mầm non.
Để tạo điều kiện cho bậc học mầm non phát triển, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non khuyến nghị: Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để trẻ mầm non được hưởng các chế độ chính sách ưu tiên và điều kiện tốt nhất về chăm sóc giáo dục trong môi trường an toàn, thân thiện.
Ví dụ điển hình, đó là trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa với trẻ em mẫu giáo và chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Hai chính sách này có tác động rất rõ nét.
Chính sách hỗ trợ chế độ ăn trưa đối với trẻ em hộ cận nghèo, hộ nghèo, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn đã tác động đến chính sách huy động trẻ đến trường rất tốt. Mỗi bữa ăn dù chỉ có thêm 5.000 đồng/cháu nhưng chất lượng bữa ăn trưa đã được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ bữa ăn trưa này mà trẻ em ở các cơ sở mầm non vùng khó khăn đã hào hứng hơn với việc đến trường, gia đình cũng yên tâm hơn khi gửi các em đến các lớp.
Bài 2: Giải bài toán thiếu trường lớp, giáo viên