Theo Điều 6 của Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm:
1. Giả mạo, làm sai lệch số liệu, kết quả đo đạc và bản đồ.
2. Phá hủy, làm hư hỏng công trình hạ tầng đo đạc; vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.
3. Hoạt động đo đạc và bản đồ khi không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
4. Xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia.
5. Cản trở tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp.
6. Lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
7. Phát tán, làm lộ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Cùng với đó, Dự thảo luật cũng quy định về thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ tại điều 59:
1. Thanh tra về đo đạc và bản đồ
a) Thanh tra tài nguyên và môi trường thực hiện thanh tra chuyên ngành về hoạt động đo đạc và bản đồ.
b) Đối tượng thanh tra về đo đạc và bản đồ là các tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ.
c) Việc thanh tra về đo đạc và bản đồ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.
2. Xử lý vi phạm trong hoạt động đo đạc và bản đồ
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định về điều kiện năng lực hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý.
b) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đo đạc và bản đồ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
c) Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.