Sáng nay 10/11, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và dự án Luật Đo đạc và bản đồ.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, Luật quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006.
Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng.
“Việc xây dựng dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng phát triển đất nước”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều (giảm 2 chương, 5 điều so với Luật quốc phòng năm 2005). Trong đó, Chương I là những quy định chung. Chương II quy định về các vấn đề cơ bản như: Nền quốc phòng toàn dân; Khu vực phòng thủ; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Động viên quốc phòng; Công nghiệp quốc phòng; Phòng thủ dân sự; Đối ngoại quốc phòng; ... Chương III quy định về các vấn đề: Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; Tổng động viên, động viên cục bộ; Thiết quân luật và giới nghiêm...
Chương IV về Lực lượng vũ trang nhân dân. Chương V quy định về các vấn đề như: Bảo đảm huy động nguồn nhân lực; Bảo đảm nguồn lực tài chính, tài sản, đất đai phục vụ quốc phòng và Bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân…
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật: Luật dân quân tự vệ, Luật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Luật về lực lượng dự bị động viên.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội.
“Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đánh giá tác động một số chính sách mới như: về phòng thủ quân khu (Điều 9)… và bổ sung dự thảo nghị định quy định chi tiết về thiết quân luật và giới nghiêm”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khi xây dựng dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại khoản 13 Điều 3 dự thảo Luật.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật tuy kế thừa Luật Quốc phòng năm 2005, nhưng Hiến pháp năm 2013 và nhiều luật ban hành gần đây chỉ quy định về “tình trạng khẩn cấp”. Tham khảo Luật Quốc phòng một số nước cũng chỉ quy định về “tình trạng khẩn cấp”. Do đó, đề nghị cân nhắc, đồng thời làm rõ về sự cần thiết quy định nội dung này.
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này.