Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Nghị quyết 22/2016/QH ngày 29/7/2016 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Theo đó Dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã tổ chức hội thảo về dự án này.
Mục đích cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia về chính sách pháp luật về thực thi công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong thời gian qua; Cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý công tác đo đạc và bản đồ, đồng thời đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ hiện hành, nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách pháp luật trong việc nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Qua đó đề xuất các giải pháp nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng đã được nêu trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, để xây dựng dự án Luật này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thu thập, nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động đo đạc và bản đồ; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Ban soạn thảo cũng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đo đạc và bản đồ của các nước trên thế giới…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức các hội thảo với các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, cũng như lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành địa phương. Tổ chức họp và tiếp thu các ý kiến của Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Luật khi được ban hành. Đến nay, Dự án Luật đã hoàn thiện đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Phan Đức Hiếu-Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương với 63 điều. Trong đó so với Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ, dự thảo Luật có một số nội dung mới. Đó là tăng cường phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ; quy định về việc tổ chức, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; quy định các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo đạc và bản đồ, tăng cường quản lý năng lực chuyên môn; đảm bảo để mọi tổ chức, cá nhân được tiếp cận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ…
Hiện, Việt Nam đã và đang phối hợp với một số nước trên thế giới trong việc xây dựng và xuất bản bản đồ. Do vậy, bên cạnh những quy định đối với bản đồ do các cơ quan chức năng của Việt Nam thành lập, cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chung liên quan đến việc hợp tác trong đo đạc, thành lập, xuất bản bản đồ giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như quy định về hoạt động đo đạc, bản đồ của các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành ở nước ngoài.