Nguồn hàng dồi dào

Tết này, hàng hóa “made in Viet Nam” đã dần thay thế chỗ đứng của nhiều loại hàng nhập ngoại trước kia từ mâm ngũ quả cúng tổ tiên, cho đến các vật dụng trang hoàng nhà cửa thêm rạng rỡ sắc xuân…


 

Lượng hàng Việt đa dạng, phong phú đã giúp người tiêu dùng Việt có nhiều sự chọn lựa cho Tết cổ truyền.

 

“Chen vai” với những loại thực phẩm khác phục vụ Tết, năm nay thị trường chứng kiến sự lên ngôi của các loại đặc sản ba miền Nam, Trung, Bắc. Khác với mọi năm, mặt hàng đặc sản chỉ có mặt chủ yếu ở các cửa hàng, chợ truyền thống thì năm nay những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã chủ động dành hẳn một khu vực hoặc xây dựng cả chương trình phát triển nhóm hàng này. Theo đó, BigC đã chuẩn bị hơn 250 tấn mứt, kẹo truyền thống và đặc sản 3 miền các loại như những loại bánh đặc sản Hà Nội, chả bò Đà Nẵng, giò chả Ước Lễ Hương Sơn… Trong khi đó, Sài Gòn Co.op tổ chức hẳn một khu quầy với chương trình tiếp thị cụ thể bán đặc sản ba miền.


Ở thị trường bánh, mứt, thương hiệu Bibica ngay từ thời điểm tháng 12/2012 đã đưa ra thị trường hơn 1.200 tấn bánh, kẹo các loại, tăng 15% so với năm trước. Với các loại mứt Tết, khác với 3 - 4 năm trước, mứt thường nhập theo đường tiểu ngạch từ những tỉnh phía Bắc “dội” về các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh rồi tỏa đi khắp khu vực miền Nam, thì năm nay, mứt thương hiệu Việt đã chiếm lĩnh thị trường với sản lượng tăng hơn so với Tết Nhâm Thìn khoảng 20%… Theo các nhà phân phối thực phẩm, Tết này bánh, mứt nội đã chiếm tỷ lệ gần 90% với khoảng 500 mã hàng của hơn 100 thương hiệu lớn nhỏ.


Tương tự, hiện nhiều loại trái cây trong nước đã có cuộc “lật đổ” ngoạn mục “lấn lướt” những loại trái cây ngoại và có sức mua tăng vọt. Nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho hay, những loại trái cây phục vụ thị trường Tết như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi… đang “cháy” hàng và giá cả tăng cao. Còn tại các vựa trái cây ở các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền…, các loại trái cây như: khóm (dứa), bưởi, xoài... đang được tiêu thụ mạnh với giá tăng khoảng 15% so với Tết Nhâm Thìn. Dịp Tết này, lượng trái cây nhập khẩu phục vụ thị trường đã giảm mạnh xuống còn gần 10% nhưng vẫn kén người mua.


Theo ghi nhận của phóng viên Tin tức, đến thời điểm này, tại hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.opMart, Vinatex Mart..., số lượng hàng Tết do các DN trong nước cung cấp chiếm tỷ lệ áp đảo, từ 80 - 90%, trong đó tập trung ở các nhóm hàng: thực phẩm, đồ trang trí, thời trang… Tại những siêu thị vốn chuộng hàng ngoại như: LotteMart, MaxiMart... hiện hàng Việt Nam cũng chiếm 70 - 80% trên tổng số hàng hóa. Hàng Việt Nam trước kia thường hay bị người tiêu dùng chê về hình thức, sản phẩm đơn điệu… thì nay tình hình đã khác. Nhiều doanh nghiệp đã chú ý cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nên đã tạo được sức hút với người tiêu dùng”, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại của BigC, cho biết.

 

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN