Cả ấp 7 náo nức lúc nghe tin các ấp khác đều lập công. Hoặc diệt được Mỹ. Hoặc bắn cháy xe tăng. Thậm chí, ấp 15 còn chặn địch, bảo vệ được máy móc, buộc chúng phải rút ra xa.Xét về mặt thực lực thì ấp 7 thuộc loại “nổi trội”. Có hai ông “Mùa Thu”(1) vốn là lính của tiểu đoàn 307 “vang lừng biết mấy”, của vùng Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy”. Lớp trẻ thì đều từng làm du kích hoặc dân quân ở các địa phương. Đặc biệt còn có anh Tư rất giỏi về cách đánh địch bằng “súng ngựa trời”, mìn tự tạo và nếu cần, huy động ong bò vẽ vào cuộc chiến.
Từ mấy tháng nay, các ấp đều khẩn trương chuẩn bị chống càn. Miền Nam có hai mùa tách bạch thì mùa mưa, ta đánh địch. Còn mùa khô, địch phản kích và tấn công vào các vùng căn cứ của ta nhờ phát huy được tối đa sức mạnh của phi pháo và cơ giới trong điều kiện thời tiết tốt.
Các đội du kích đã “cò” cây, đào hố chông trên những con đường đi vào các ấp. Kỷ luật sinh hoạt được thắt chặt: đài không được mở to, người không được gọi nhau í ới. Đèn thắp phải có chụp. Nấu nướng không được có khói.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy địch sẽ tấn công. Máy bay trinh sát quần đảo cả ngày lẫn đêm và chụp ảnh ban đêm bằng pháo sáng. Một vài quả bóng thám không vướng trên ngọn cây cao. Có đêm, đang yên giấc, mọi người vùng dậy nhảy xuống hầm vì máy bay B52 ném bom rải thảm. Thực ra, với B52, nghe tiếng máy bay ì ầm mới nhảy thì đã quá muộn. Thông thường, bom đã ào ào rơi xuống với tiếng rít xé gió khi người ta chợt nhận ra tiếng máy bay. May sao, máy bay địch chỉ rải thảm ở những cánh rừng xa. Nghe nói, các đội Thanh niên xung phong đóng ở đó đã được đánh chén thỏa thuê vì không ít thú rừng bị chết oan “Buồn ngủ lại gặp chiếu manh”. Mấy tháng nay, việc săn thú rừng đã bị nghiêm cấm.
Rồi có tin tìm thấy những dấu giày lạ ở dọc sông Vàm Cỏ Đông. Chính xác mà nói, trong hàng ngàn người ở khu căn cứ, chỉ có duy nhất 1 cán bộ là được đi giày vì bị dị tật ở chân. Còn tất cả đều đi dép râu hoặc tệ nhất là dép Thái Lan. Nếu đi giày thì chỉ có thể là biệt kích. Những mẩu thuốc lá lạ cũng đặt ra nghi vấn vì mọi người đều hút thuốc rê, quấn bằng giấy báo. Các tổ du kích đi tuần tra sáng sớm báo cáo là có những đoạn đường dài không bị vướng mạng nhện nghĩa là trước họ đã có ai đó đi qua. Tuy nhiên, các cuộc truy lùng biệt kích đều không mang lại kết quả.
Điều phải đến đã đến! Theo lộ 22, trung đoàn thiết giáp 11 của Mỹ chia làm hai mũi, tiến vào Bàu Lùng Tung và Bến Ra. Từ sáng sớm, máy bay trực thăng đã lượn vè vè trên đầu. Pháo “cực nhanh” bắn dồn dập dọc theo lộ xe bò từ Bến Ra đi Tà Nốt. Nhưng đã quen với chuyện bom đạn, mọi người vẫn bình thản làm công việc hàng ngày của mình. Càng về trưa, tiếng trực thăng càng trở nên đinh tai nhức óc, át cả tiếng súng nổ lác đác.
Buổi trưa, mọi người vẫn ăn uống bình thường, rồi chui xuống hầm ngủ cho mát mẻ và yên giấc. Tiếng máy bay, ì xèo đến váng đầu từ sáng sớm, càng làm cho người ta buồn ngủ sau bữa ăn. Nhưng mọi người vừa mới chợp mắt được chốc lát thì từ phía nhà nữ bỗng nghe tiếng la như cháy nhà. “Xe Mỹ đang đến… Xe M113…!!!”.
Tiếng trực thăng vẫn ầm ĩ trên đầu. Thêm tiếng cánh quạt đập gió “phành phạch”. Tiếng cây rừng đổ răng rắc. Một đoàn xe M113 đã cắt rừng, đi dọc đường biên giới không phân định, hình thành một mũi kìm nhằm lùa tất cả các đơn vị và cơ quan của MTDTGP vào trong vòng vây của chúng.
Nhưng dân ấp 7 đã được chuẩn bị và quán triệt phương án đối phó. Những người già yếu, trẻ em, phụ nữ có con mọn được đưa tới căn cứ “nống”. Những người không có nhiệm vụ chiến đấu thì “bòng” và lựu đạn luôn bên mình, thoáng thấy bóng địch là “chém vè”. Rừng cây rậm rạp, cách nhau chừng 10 mét là khó thấy.
Theo lệnh của anh Bảy, trưởng ấp và là người trực tiếp chỉ huy trung đội du kích, 3 tổ “mạnh” nhất được phái tới 3 vị trí then chốt để “đón lõng” quân Mỹ.
Anh Bảy là người khá thành thạo với chuyện đánh đấm. Thời tham gia “Đệ Tứ chiến khu”, anh là lính dưới trướng của các anh Mười Cúc và Trần Tử Bình. Thời chống Pháp, anh hoạt động ở địch hậu, đi lại và ăn ngủ ngay trước mũi súng của địch là “chuyện thường ngày ở huyện”. Kể ra thì anh thừa sức để làm “chính ủy” của một sư đoàn chính quy. Trong hoàn cảnh bấy giờ, anh đành vui với chức trung đội trưởng của một trung đội lính “ô hợp”.
Khoảng nửa tiếng sau khi các mũi chặn địch xuất kích, tiếng trọng liên 12 ly 7 rộ lên. Hòe, Ấm và Tư Trời biển đang ngồi ở dưới một gốc cây lớn, lặng nghe và đoán là tổ do Thanh Thu chỉ huy đã “chạm địch”.
Rồi tiếng ầm ầm như sấm vang của các loại động cơ xa dần. Thỉnh thoảng vọng lên một vài tràng súng máy bắn vu vơ.
Đến xế chiều thì Thanh Thu chạy về kể lại cuộc chạm súng vừa rồi. Tổ của anh ra chưa tới chốt chặn thì một đoàn xe M113 chạy qua. Mấy chiếc trực thăng quần đảo rất thấp khiến không nghe được tiếng xe M113. Một thành viên của tổ là Đặng nhảy được xuống 1 cái hầm đã đào sẵn và lấy 1 viên AT lắp vào đầu súng, thao tác để chuẩn bị bắn. Còn Thanh Thu thì vòng sau đuôi 1 chiếc M113 và chạy sang phía bên kia. Anh chỉ thoáng thấy chiếc mũ sắt của tên Mỹ điều khiển khẩu trọng liên đặt trên nóc xe. Anh đang lựa thế để ném lựu đạn thì nghe tiếng AT nổ tiếp theo tiếng súng trường. Chiếc M113 trùm khói nhưng có lẽ, chỉ bị hư hại nhẹ vì đạn AT chưa đủ sức công phá để diệt xe M113. Lập tức, khẩu trọng liên trên xe gầm lên, bắn như vãi đạn về phía Đặng, Một chiếc trực thăng cũng vòng lại, quần đảo quanh chiếc M113 bị trúng đạn. Nhưng cả đoàn xe M113 vẫn tiếp tục tiến về phía ấp 5, sau đó, quay lại, đi về hướng trảng Cố Vấn. Thanh Thu chạy lại chỗ Đặng thì thấy Đặng đã tắt thở, tay vẫn ghì chặt khẩu súng, nòng đã lên đạn, chắc là dự định bắn viên AT thứ 2.
Tổ của Tư Cường được lệnh ra hiện trường, khâm liệm và mai táng Đặng. Hai tổ khác được phân công ở lại, tiếp tục bám trụ để bảo vệ căn cứ. Còn tất cả mọi người, bòng lên vai hành quân tới căn cứ an toàn ở bên kia bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Dưới ánh sáng hỏa châu sáng rực như ánh sáng mặt trời, cả ấp 7 lặng lẽ men theo những con đường nhỏ, vượt ra khỏi vùng nguy hiểm.
Không có điều kiện để tổ chức lễ truy điệu nhưng mọi người đều hết sức thương nhớ và khâm phục tấm gương dũng cảm của Đặng.
Là một học sinh Việt Kiều ở Nông Pênh, sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Đặng đã tình nguyện về nước tham gia chiến đấu theo lời kêu gọi của MTDTGPMNVN. Nhiều thanh niên cùng lứa tuổi và cùng tham gia cách mạng như Đặng, sau ngày đất nước thống nhất, đã được đi học ở nước ngoài và khi trở về, đều trở thành những trí thức có tài năng thực sự, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước.
Như một người mẹ mất đi một đứa con yêu quý- dù con mình sau này trở thành một nhân vật vĩ đại hay chỉ là một nông dân bình thường- thì sự xót xa đâu có vì thế mà ít đi hoặc nhiều lên. Cả ấp 7 và những người quen biết Đặng ở các ấp khác đều không thể nào không nhắc đến tên Đặng, nhớ đến khuôn mặt tuấn tú, tính cách hiền lành của cậu học sinh Nông Pênh, mỗi khi hồi tưởng về những ngày sống ở R dù đã gần 40 năm trôi qua.
*
* *
“Miền Đông gian lao mà anh dũng” là căn cứ địa của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục - hay còn gọi là Ban Tuyên huấn R - đóng chủ yếu ở vùng Tây Bắc Tây Ninh. Cách đây hơn 40 năm, đây là vùng rừng rậm rạp với những trảng cỏ tranh như Bàu Lùng Tung, Cố Vấn, Tà Nốt, Bến Ra, nơi Hoàng Việt đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Lên Ngàn” thực ra chỉ là một địa danh mơ hồ trên một con sông biên giới. Những địa danh ngày nay gọi là Thiện Ngôn, Tân Biên, thì lúc bấy giờ là cây cối ngút ngàn che dấu những con đường mòn chằng chịt với những cái tên độc đáo: ngã ba Tâm Tình, ngã ba Quốc tế…
Ban Tuyên Huấn R gồm nhiều B nhưng lúc đưa tin về chiến sự - để đảm bảo bí mật - người ta thường gọi là ấp. Ấp 7 và B7: Thông tấn xã Giải Phóng. Ấp 5 và B5: Đài Phát Thanh Giải Phóng.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, các cơ quan quân dân chính của ta đều đi tập kết ở miền Bắc. Nhiều cán bộ được phân công ở lại, một số về các thành phố hoạt động dưới vỏ “hợp pháp”. Một số sống bí mật trong nhân dân. Nhưng rồi một số cán bộ bị Diệm Nhu truy nã, tìm mọi cách hãm hại nhưng vẫn phải tiếp tục lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đã móc nối với nhau lấy những địa điểm quen thuộc trong rừng miền Đông làm nơi liên lạc và tập hợp. Lúc đầu, họ sống ẩn náu trong những cái chòi canh nương rẫy gần các ấp chiến lược. Địch lùng sục, truy đuổi tiếp thì lẩn vào sâu hơn mà không dám nổ súng vì “tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ”. Một cái võng, một tấm tăng và một chiếc hộp quẹt. Đấy là tất cả tài sản của họ trong đời sống “Người rừng bất đắc dĩ”.
Sau “Đồng Khởi”, các cơ quan của Tuyên huấn R được hình thành một cách hoàn chỉnh và đồng bộ. Tuy đồn bốt của Diệm Nhu đóng dày đặc khắp nơi nhưng thực tế, vùng giải phóng áp sát các thành phố, thị trấn và thị tứ. Ngay các “ấp chiến lược” cũng ở trong tình trạng “ngày địch đêm ta”. Khi quân Mỹ trực tiếp tham gia tác chiến lên đến con số ½ triệu thì tình hình đó không còn nữa. Với chiến lược “tìm và diệt”, quân Mỹ liên tục mở những cuộc càn quét lớn vào chiến khu của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền.
Đây là lần đầu tiên quân Mỹ lùng sục vào hai cơ quan đóng trong khu vực sâu nhất, đường vào khó khăn nhất là Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng. Trên đường đi, chúng đã liên tiếp bị du kích của các B khác chặn đánh. Chỉ đóng quân lại trong mấy ngày, chúng đã bị các đơn vị chủ lực của Quân giải phóng bám đánh liên tục như trận pháo kích ở Bàu Lùng Tung và mai phục hạ trực thăng tiếp tế. Du kích các B cũng thay phiên nhau quấy rối địch, bắn cháy xe M113, đặt mìn diệt bọn lính đi lùng sục hặc ban đêm, nã cối làm cho chúng mất ăn, mất ngủ. Chỉ hùng hổ được mấy ngày, quân Mỹ, gồm phần lớn các đơn vị tinh nhuệ, đã lặng lẽ rút lui.
Các đội du kích bám địch đã theo dõi mọi hành động của chúng trước lúc rút lui. Lương thực, thực phẩm dùng không hết đều cho xuống hố và lấp kín. Vũ khí bị hư hại, trừ xe cộ, đều được cẩu di.
Địch vừa rút đi thì các đội du kích vào đào các hố vừa lấp, moi lên các khẩu phần C của binh lính Mỹ gồm thịt hộp, rau hộp, nước ngọt và cả những bao thuốc lá loại 10 điếu nhãn hiệu Salem hay Malboro.
Các công việc moi tìm chiến lợi phẩm đó kéo dài đến cả mấy tuần sau.
Sau này, lúc đưa tin về trận đánh càn lớn này, Đài BBC cho biết là quân Mỹ đã tìm thấy một căn hầm lớn, được thiết kế như một phòng bá âm mà chúng nghi là của Đài Phát thanh Giải phóng.
Khác hẳn thời chống Pháp, các cơ quan của ta không còn có thể đóng bên những “dòng kênh êm đềm hay dưới rặng dừa thơ mộng”. Đám lá tối trời ở Long An cũng chỉ che dấu được vài tiểu đội du kích. Bom, đạn và chất độc hóa học đã làm cho nhiều vùng trù phú trở nên “trống lốc” như cảnh tượng mặt trăng. Các cơ quan của ta, kể cả ở các tỉnh và khu đều dạt tới sát biên giới hoặc lẩn vào rừng rậm. Các đường tiếp tế bị phong tỏa và đương nhiên, “Miền Đông gian lao” lại càng gian khổ. Mấy miếng cá khô nướng, vài cọng rau và cơm nấu bằng gạo hẩm là khẩu phần hàng ngày. “Mặt xanh nanh vàng”,
“10 Việt Cộng trèo không đổ một cây đu đủ”. Đó là những lời rêu rao quen thuộc của Đài Sài Gòn khi miêu tả về cán bộ và chiến sĩ Quân Giải Phóng.
Sau khi Lonol làm đảo chính, lật đổ Quốc vương Sihanuk, Đảng Nhân dân Cách mạng Căm-pu-chia đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy, cướp chính quyền ở phần lớn vùng nông thôn. Vùng giải phóng của miền Nam nối liền với vùng tự do của Căm-pu-chia. Các cơ quan đầu não của MTDTGPMNVN lần lượt tới đóng trà trộn trong các phum sóc ở miền Đông Bắc Căm-pu-chia. Thế trận “cài răng lược” diễn ra “thiên binh vạn trạng”. Phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, có người đi theo các đơn vị vũ trang Căm-pu-chia tới trú quân ở các xóm nhà bè trên hồ Tonle Sap hay len lỏi trong các ngôi đền đá của Angcor Vat thì từ rừng tràm U Minh, phân xã Cà Mau vẫn đều đặn điện tin bài về. Các cơ quan của chính phủ cách mạng lâm thời MNVN đã nhiều lần di dời chẳng cách bờ sông Mê-kông bao lăm nhưng địch vẫn đổ quân bằng trực thăng để toan “hốt” gọn hoặc tung những binh đoàn thiết vận xa thọc sâu để lùng sục.
Đương nhiên, trong cuộc chiến đấu ác liệt và dai dẳng đó - cuộc chiến đấu dường như không biết bao giờ mới kết thúc - không ít người đã ngã lòng nản chí. “Kháng chiến trường kỳ càng khiến chán. Thi đua mà giặc chẳng thua đi”. Hai câu thơ châm biếm truyền khẩu sử dụng cách nói lái thông dụng ở miền Nam đó phản ánh phần nào tâm lý bi quan trong hàng ngũ của một số cán bộ và chiến sĩ. Một vài người đã ra đầu thú, “chiêu hồi”. Nhiều hơn là số người bỏ cơ quan, đơn vị, chạy ra làm dân, kiếm một cô vợ - có khi là một bà góa trẻ đã có một hai con - làm ăn sinh sống bằng đủ nghề nhưng không chạy theo địch. Cũng có vài người - có lẽ vì quá tuyệt vọng và hoảng loạn về tâm lý - đã rút súng tự sát giữa khi “tỉnh rượu tàn canh”.
Nhưng rồi, gió đổi chiều. Trời quang, mây tạnh. Các cơ quan của Ban Tuyên huấn R lại theo con đường cũ, trở về với Bến Ra, với Lò Gò và Xóm Giữa. Quân Sài Gòn đã phải rút khỏi ngã ba lộ 22 và để lại một sân bay với đường băng dài và nguyên vẹn. Theo đường mòn Hồ Chí Minh, người ta đã có thể đi ôtô hoặc xe Honda từ Lộc Ninh, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đến tận Thủ đô Hà Nội.
Những người bi quan nhất đã nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” và ngày cùng đoàn quân chiến thắng trở về Sài Gòn quả là không còn xa.
Gần 30 năm trời đằng đẵng, rừng miền Đông đã nuôi dưỡng nên những thế hệ anh hùng. Những chú bé và cô bé nhút nhát, theo cha anh đi làm cách mạng, đã lớn khôn lên, học tập hiểu biết ở “R”, trở thành những thanh niên tuấn tú, những thiếu nữ xinh đẹp và hiền thục. Họ yêu nhau trong công tác và chiến đấu, nên vợ nên chồng. Người ta gọi đó là những mối tình “R”. Con cái họ ra đời, cũng chịu đói chịu khát, sống sót qua những trận bom pháo, trận càn và những cơn sốt rét ác tính. Đó là lứa con cháu “R”.
Gia vị cho cuộc sống rất “hẻo” đó ở “R” lại vô cùng phong phú. Hò hát, múa nhảy, kịch cương là một sinh hoạt thường xuyên. Còn những thi sĩ nghiệp dư thì quả không hiếm. Nhiều người vẫn nhắc đến biệt danh “thi sĩ rau muống”, chuyên sáng tác những bài thơ dí dỏm đăng trên báo tường. Ông cũng có một bài thơ khá sắc sảo nói về cuộc sống vất vả của một người lao động làm thuê trong chế độ cũ… “Nghề xe đổi nghiệp chèo đò, sông sâu nước cả, tôi mò từng xu..”
Anh Ba Hương, nguyên ký giả ở Sài Gòn, từng công tác ở Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng, qua những câu chuyện, vừa nằm trên võng vừa kể, đã truyền thụ cho lớp trẻ không ít kiến thức mới mẻ và hiện đại về nghề làm báo. Vợ anh sống ở Sài Gòn bươn chải để nuôi con. Họat động ở Sài Gòn, đã mấy lần suýt sa vào tay giặc. Nhưng lúc nào anh cũng tỏ ra lạc quan.
Anh thuộc lòng rất nhiều thơ và thường đọc khe khẽ trong những đêm mưa gió bên ánh lửa tàn. Một bài thơ anh chỉ đọc một hai lần, nhưng được nhiều người thích và nhớ mãi dù không hề biết tên tác giả và cả tên bài thơ. Bài thơ có đoạn:
“Mê mải trên đường doanh nghiệp mãi,
Sự đời nghĩ kỹ cũng buồn tênh,
Chi bằng một sáng mang khăn gói
Trở lại cô thôn biệt thị thành.
Vườn xới trồng hoa chồng đỡ vợ
Ruộng cày đôi mảnh ngựa xe khinh
Đêm đêm chồng gối lên tay vợ
Khe khẽ ngâm câu biệt thị thành.
Rồi bải mình ơi đời Tấn trước
Đào Tiềm hai bận dứt công khanh
Quay về vườn ruộng như ta ấy
Mình biết gì không nói thiệt mình...”.Phải vật lộn với cuộc sống xô bồ ở Sài Gòn trước Cách mạng, anh mơ tưởng một cuộc sống ẩn dật ở chốn thôn dã. Nhưng rồi quân xâm lược Pháp trở lại gây hấn, anh vào bưng biền tham gia chiến đấu. Từ bấy, anh chẳng bao giờ có được một phút thanh nhàn. Như một cánh chim không mỏi, anh gắn bó với sự nghiệp cách mạng cho đến giây phút cuối cùng.
Hơn 20 năm sau ngày toàn thắng, một đoàn cán bộ của ấp 7 trong đó có Sáu Cang và Ba Phấn, hai vị thổ công của rừng miền Đông đã quay trở về khu vực Bến Ra, đi dọc theo sông Tung Pieng để tìm lại vị trí của căn cứ cũ. Vùng này lại thêm một lần trở thành chiến địa khi quân Pol Pot xâm nhập bất ngờ tấn công vào Tân Biên. Bộ đội ta phải chiến đấu giành lại từng cánh rừng và mất nhiều năm mới dọn sạch bom mìn. Cuối cùng, họ đã tìm thấy cái bếp Hoàng Cầm cũ, đụn gò mối và cây dầu quen thuộc. Làm sao quên được! Chính ở đây, đã có những cặp trai gái vụng trộm hôn nhau. Con đường nối liền các B, cây cỏ đã lấn chiếm không còn dấu vết.
Ngày đặt bia tưởng niệm trên con đường vào ấp 7, mọi người đều nghĩ đến những người còn ở lại miền Đông, trong đó có Đặng, vẫn lẩn quất đâu đây, đang cầm súng đứng gác hay mang “bòng” đi tải gạo, đang vui vẻ cười nói như ngày nào.
Gần 40 năm mà vẫn cứ tưởng như hôm qua.
Nguyễn Đức Giáp