Hành lang bệnh viện cái huyện vùng sâu này hôm nay chật cứng. Người đến lo toan cho con nhỏ bị tâm thần sanh đẻ thì ít, người tới vì cái sự tò mò thì nhiều.
- Trời đất, thiệt là cái quân ác nhơn ác đức, thế nào bây cũng bị trả báo trời tru đất diệt, con nhỏ “khùng khùng” như vậy mà bây cũng hổng tha. Thiệt tội con nhỏ. Một bà cụ tóc bạc trắng đứng ngoài của sổ phòng sanh thốt lên.
- Ai mà biết nó “khùng” thiệt hay giả bà ơi. Đời bây giờ thiệt giả khó lường. Rủi nó làm bộ thì sao? Một người khác xen vào.
- Bây nói vậy nghe sao đặng. Ai đi làm bộ làm tịch rồi ôm cái bụng chửa lè thè sanh con đứt từng “đạn” ruột. Giả dụ như bây, bây dám hôn? Bà cụ phản ứng.
Vậy làm đám đông đang tụ lại nghe tranh cãi tản dần ra. Con nhỏ điên có cơn này tên Bạc ai mà không biết. Má nó đẻ nó ngoài cái chòi vịt tuốt ngoài đồng trống một mình ngày mùng một Tết. Ai nghe cũng lắc đầu lè lưỡi vì cái sự gan dạ của người đàn bà lúc nào cũng lảm nhảm, cười nói một mình. Nhiều người nói: Chắc trời đất về phù hộ cho mẹ con bà điên nên hổng cần bác sỹ, y tá, thuốc men gì ráo mà hai mẹ con vẫn mạnh cùi cụi. Vậy mới lạ. Mà giá như có tới bệnh viện thì tiền đâu mà đóng viện phí. Sanh con nhỏ chưa đầy tháng lại thấy bả đi làm mướn làm thuê với cái cười vừa đau khổ, vừa lo lắng lại vừa hả hê. Có trời mà biết bả đang nghĩ gì.
Hồi còn trẻ, lúc tỉnh thì ai kêu gì chị làm nấy, lúc lên cơn điên thì lang thang thơ thẩn một mình, đầu tóc rối bời, quần áo rách te tua, tơi tả. Được cái là nét duyên vẫn còn mồn một trên cơ thể đầy đặn. Rồi chị có bầu. Có với ai thì vô phương biết, mà suy cho cùng chính bản thân chị chắc cũng không biết tác giả cái thai đó của ai. Điên mà. Đứa con gái ra đời lại y chang như chị. Xinh đẹp. Phổng phao và tưng tửng. Trong tâm thức tỉnh táo hiếm hoi của một người điên, chị linh tính và lo sợ cái xui xẻo, rủi ro sẽ đến với nó. Lúc nhỏ, cắt lúa mướn, làm cỏ vườn chị đeo nó trên vai. Lớn một chút đi đâu chị cũng lôi nó theo sền sệt mặc cho nó khóc re ré. Tối ngủ chị còn lấy sợi dây luộc to tướng cột chắc tay nó vào tay mình sợ nửa đêm nó đi mất thì chết. Vậy mà chị đã không giữ được nó. Đứa con gái mười bốn tuổi có bầu. Với ai nó cũng không biết như chị lúc trước. Đi đâu nó cũng cười cười, vo vo cái bụng bầu coi bộ đắc ý lắm. Lúc tỉnh chị chửi đong đỏng:
- Tổ cha cái thằng nào bất nhơn thất đức, ăn ở với con tao có chửa hoang rồi trốn biệt. Đồ hèn, mất dạy... tiểu nhơn ...
- Bà chửi ai hoài vậy? Mệt. Nín đi. Đứa con gái quát lên.
Vậy là chị im re. Bởi chửi nó hóa ra là chị chửi rủa bản thân mình. Chị có khác gì nó đâu. Hai mẹ con mỗi người một góc cứ nhìn ra con rạch ngoài đồng với những cái nhìn vô hồn, đờ đẫn, tuyệt vọng.
Bác sỹ bước ra khỏi phòng mổ. Cả đám đông xúm lại hỏi dồn dập:
- Sao rồi bác sỹ? mẹ tròn con vuông hôn?
- Ổn. Con gái. Đứa nhỏ đẹp lắm... nhưng....
- Nhưng sao?
- Thì tôi lo. Nó lại khổ như ngoại và mẹ nó.
Nén tiếng thở dài. Chiếc áo bờ lu vội vã bước đi và khuất ở cuối dãy hành lang. Chiếc xe đẩy kéo ra khỏi phòng mổ. Bà mẹ trẻ mười bốn tuổi sau cơn vượt cạn lại cười hề hề. Mẹ nó ngồi bệt xuống sàn nhà nhai ngấu nghiến ổ bánh mì thịt cũng cười hềnh hệch. Chắc bánh mì ngon lắm. Người ta ẵm đứa nhỏ đi qua. Bà chồm dậy chạy theo òn ỉ:
- Cho tui rờ nó chút coi.
Người y tá dừng lại. Bà hôn lên trán đứa nhỏ chùn chụt.
- Con bà tên gì? người y tá hỏi nhỏ.
- Tên Bạc. Bà gãi gãi cái đầu bờm xờm bối rối.
- Rồi mai mốt đặt tên gì cho đứa nhỏ?
- Tên Gạo.
- Trời đất. Hết chuyện sau đặt tên gì “sốc” vậy?
- Mẹ con tui đói quanh năm, đặt vậy cho nó hên. Đang nói bà trợn trừng đôi mắt, tay chân tím rịm. Nước miếng chảy xuống áo tạo thành mấy quầng nước đục ngầu. Bà lại lên cơn co giật vì cái chứng kinh phong. Trong phòng bệnh, mấy chị hội phụ nữ và chính quyền xã, ấp, đang tất bật lo toan cho đứa nhỏ lẫn bà ngoại nó. Không ai nói với nhau một lời nào. Chỉ còn tiếng chắc lưỡi, tiếng thở dài và những cái lắc đầu đau xót. Trong bệnh viện. Đứa bé khóc ré lên. Người ta ẵm nó đến với mẹ cho bú. Nó nín thinh. Mẹ nó cười. Ngoại nó cười. Bên ngoài các cánh cửa sổ bệnh viện có những đôi mắt đỏ hoe.
* *
*
Hai người phụ nữ trạc tuổi nhau, tóc bạc hoa râm cũng như nhau, ăn mặc quê mùa chân chất như nhau nhưng ngồi cách nhau một lối đi giữa hội trường tòa án. Bên trái là nơi dành cho thân nhân người bị hại. Bên phải là chỗ ngồi của thân nhân bị can.
- Chị Tám ơi ! tui lạy chị. Chị rộng lòng tha thứ cho thằng Lý con tui. Nó còn nhỏ quá, mà tui chỉ có mình nó. Cha nó bỏ mẹ con tui đi biền biệt mười mấy năm rồi đâu có tăm hơi gì nữa. Thằng nhỏ có bề gì chắc tui chết quá chị Tám ơi. Tui lạy chị mà.
Chị Tám có lạ gì người đàn bà đang ra sức kêu gào, van xin chị kia bởi họ là hàng xóm của nhau gần hai mươi năm qua. Họ là những người tối lửa tắt đèn có nhau bởi hoàn cảnh đều khó khăn, chị thì bị bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc mê, bị ai đó hiếp dâm mang bầu rồi sanh con Bạc tới nay chị cũng không biết nữa. Hận đời chị đặt nó tên con Bạc ý muốn chửi rủa cái thằng khốn kiếp bá vơ nào đó đã làm chị trở thành đàn bà. Còn chị Sáu kia thì bị thằng chồng trời đánh thánh đâm quất ngựa truy phong chạy theo bóng sắc của bà Tư cho vay nặng lãi xóm trên rồi cả hai trốn mất biệt cho tới bây giờ. Vậy là hai con người, hai cái bóng quạnh quẽ, lẻ loi, cô đơn âm thầm nuôi con trong sự uất ức, chua xót, chán chường. Chính cái cảm giác bị phụ bạc đơn thân ấy đã kết nối hai gia đình lại từ hồi nào cũng không ai nhớ được.
Có con cá ngon, con ba khía ngọt, tô canh bí, canh bầu, họ đều mang qua nhà chia sẻ cho nhau với nụ cười sung sướng, hạnh phúc rất là thường. Nụ cười chỉ có hai bà mẹ trẻ mới cảm nhận và thấm thía trong mỗi tâm hồn. Vậy mà giờ đây họ phải đối diện nhau trong một phiên tòa cay đắng, phũ phàng.Tha tội cho thằng Lý ư? Không. Nó đã làm cho nỗi đau, nỗi mất mát của chị lập lại và nhân đôi. Chị chỉ có mỗi mình con Bạc là lẽ sống của đời mình dù rằng nó cũng bị bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc mê như chị. Không tha thứ chăng? Rồi người đàn bà hàng xóm từng là ân nhân gia đình chị nhiều năm nay sẽ ra sao? Mình có quá nhẫn tâm với mẹ con người ta? Nghĩ đến đó chị đau xót nhắm nghiền đôi mắt để cố hình dung lối thoát trong tình cảnh trái ngang này.
Phiên tòa xét xử bắt đầu. Công an bắt được cái thằng choai choai xóm này là thủ phạm của cái thai kia. Đứng trước vành móng ngựa là khuôn mặt non choẹt búng ra sữa đang tái mét vì run sợ. Xem chừng không khéo nó sẽ té xỉu và đái ra quần khi nghe tòa tuyên án. Người ta bắt gặp trên ngực áo nó cái phù hiệu : Trường Trung học cơ sở ....lớp 9 A1 ...Nguyễn Công Lý.
- Các bị cáo biết hành vi phạm tội của mình chưa? Người nữ thẩm phán đang đanh giọng rồi bỗng chùn xuống. Nó còn trẻ quá đáng tuổi con mình. Vậy mà...
- Dạ con... con... tưởng... giọng nó lí nhí rồi im bặt.
Cái vành móng ngựa run lên bần bật bởi chân tay nó không thể kềm chế. Nó khóc ngon lành. Bên dưới, mẹ của thằng nhóc đó cũng khóc òa lên vì thương xót, vì xấu hổ do tội lỗi của nó gây ra, trong đó có cả lỗi của chị, bởi nghèo lo chạy ăn từng bữa mưu sinh trên đống rác to đùng đầu hẻm, chị không còn thời gian quan tâm đến nó. Không biết lúc nó khoái trá, hí hửng, dâm đãng, hứng thú khi dày vò thân xác con bé điên kia, nó có nghĩ đến cảnh tượng này?
- Bị cáo có muốn nói lời cuối cùng trong phiên tòa này nữa không? Người nữ thẩm phán hỏi.
- Dạ con muốn được về nhà đi học lại. Con muốn tới gặp con nhỏ đó để xin lỗi. Nó muốn bắt đền cái gì con cũng chịu hết. Cô đừng có bỏ tù con cô ơi. Nói đến đó thằng bé lại khóc.
Cả khán phòng bất ngờ khi thấy chị Tám xin tòa cho chị có ý kiến. Trời đất. Cái bà tửng tửng, khùng khùng kia bữa nay làm cái chuyện lạ à nghe. Nói bậy nói bạ thì “trớt qướt”. Nhiều người bắt đầu xầm xì.
- Tui xin mấy quan “tà” tha tội cho thằng nhỏ. Nhà nó với nhà tui là bà con chòm xóm. Bỏ tù nó rồi mẹ nó sống làm sao được. Dù gì nó cũng còn con nít quá trời. Tui tuy khùng khùng, điên điên nhưng cùng là người mẹ như mẹ nó. Đàn bà với nhau mà, mất con đau đớn lắm mấy “tà” ơi !. Vả lại hồi nhỏ tui đã từng cho nó “bú thép” mỗi khi má nó đi làm mướn. Tui coi nó như con tui mà.
Cả khán phòng lặng im phăng phắc. Người nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa lấy khăn tay lau nước mắt, những giọt nước mắt xúc động đầy kịch tính bất ngờ. Mẹ thằng Lý chạy tới quỳ mọp xuống trước mặt chị Tám lạy lia lạy lịa vì sự tha thứ của người hàng xóm. Một. Hai. Ba rồi nhiều người bật khóc khi chứng kiến cùng lúc hai phiên tòa: phiên tòa xử tội hiếp dâm trẻ vị thành niên bị bệnh tâm thần và phiên tòa trái tim của hai bà mẹ.
Phương Anh