Dự án Vành đai 3 dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Tại TP Hồ Chí Minh, tuyến đường dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng. Nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc dự án thành phần 1 (xây lắp) trên địa bàn dự kiến khoảng 7,1 triệu m3, riêng trong năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông - chủ đầu tư), mặc dù các nhà thầu đã nỗ lực để tìm các nguồn cát đắp nền đường, nhưng khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu.
Bên cạnh việc tiếp tục đôn đốc các nhà thầu tập trung, khẩn trương tìm kiếm nguồn cát san lấp, chủ đầu tư đang phối hợp với Tổ công tác vật liệu, Tổ công tác Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác tìm kiếm nguồn cát san lấp cung cấp cho dự án. Hiện các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền đường cho dự án Vành đai 3.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tiến độ triển khai và hoàn thành các thủ tục liên quan để có thể cung cấp cát đắp nền cho dự án. "Theo kế hoạch của các tỉnh, sớm nhất đến tháng 6/2024 mới hoàn thành xong các thủ tục liên quan, khi đó các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua thương mại để cung cấp cát về cho dự án", chủ đầu tư cho biết.
Việc nhập khẩu cát Campuchia cũng gặp khó khăn. Ban Giao thông cho biết, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác sang Campuchia để làm việc về phương án nhập khẩu cát. Hiện ở Campuchia có 3 công ty khai thác mỏ cát được phép xuất khẩu cát.
Theo Ban Giao thông, nguồn cát Campuchia ở Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều doanh nghiệp có hợp đồng mua cát với khối lượng nhỏ, việc này có thể dẫn đến giá bán sẽ khác nhau giữa các hợp đồng. Do đó, Ban Giao thông cho rằng cần thiết phải có doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có năng lực của Việt Nam để đàm phán với doanh nghiệp Campuchia với khối lượng lớn.
Ngoài ra, do phía Camphuchia chỉ có loại cát xây dựng (không phân biệt cát xây dựng và cát san lấp) cũng ảnh hưởng đến giá thành. Đối với dự án Vành đai 3, giá cát nhập khẩu Campuchia về tới công trường sẽ vào khoảng 360.000 đồng/m3. Việc nhập cát xây dựng về sử dụng làm cát san lấp sẽ dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá thành giữa cát nhập khẩu (360.000 đồng/m3) so với cát san lấp tại địa phương (khoảng 230.000 đồng/m3).
Hiện tại, chủ đầu tư tiếp tục yêu cầu nhà thầu chủ động các nguồn vật liệu (từ mỏ thương mại trong nước và nguồn cát Campuchia) để phục vụ thi công trước mắt đường công vụ và tạo mặt bằng thi công xử lý đất yếu, đảm bảo tiến độ dự án. Đồng thời, chủ đầu tư kiến nghị các tỉnh sớm đẩy nhanh tiến độ các thủ tục gia hạn, cấp phép các mỏ cung cấp cho dự án Vành đai 3.
Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng dù đạt tỷ lệ rất cao, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Diện tích đất đã thu hồi đạt 98,8% nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công. Chủ đầu tư kiến nghị UBND thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi và Bình Chánh chỉ đạo các đơn vị liên quan quan tâm, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.
Tính đến hết tháng 5/2024, tất cả 10 gói thầu xây lắp chính của dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang đồng loạt triển khai. Nhóm 4 gói thầu khởi công đợt 1 (tháng 7/2023), các nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến; thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu và đẩy nhanh tiến độ thi công bấc thấm, gia tải. Sản lượng thực hiện các gói này đạt khoảng 15% giá trị xây lắp.
Trong khi đó, nhóm 6 gói thầu khởi công đợt 2 (tháng 2/2024), hiện các nhà thầu đã hoàn thành thi công thử và bắt đầu tổ chức thi công đại trà kết cấu phần dưới, xử lý đất yếu.