Tạm dừng khai thác mỏ cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Gần đây, mỏ cát thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) bị tạm dừng khai thác vì xuất hiện điểm sạt lở bờ sông gần khu vực này.

Đây là mỏ cát được UBND tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh trực tiếp khai thác để cung ứng cho công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. 

Chú thích ảnh
Điểm sụt lún bờ sông, gần mỏ cát được khai thác phục vụ thi công cao tốc, ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Mỏ cát này trên sông Tiền, có diện tích 36,77ha; tổng trữ lượng cát san lấp phê duyệt hơn 1,3 triệu m3; trong đó trữ lượng cát được phép khai thác trên 1,1 triệu m3. Công suất khai thác hơn 885.600 m3/năm, độ sâu âm 17m và phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên. Công ty bố trí 2 phương tiện xáng cạp (sử dụng loại gàu dung tích 3,5m3) để khai thác cát, thời gian hoạt động từ 7 - 17 giờ hằng ngày, không khai thác vào ban đêm.

Theo ông Vũ Hồng Sơn, cán bộ điều hành mỏ cát, đây là mỏ cát thứ 7 trong số 7 mỏ cát được UBND tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù để khai thác phục vụ công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với sản lượng cát khai thác khoảng 2.460 m3/ngày. Sau gần 4 tháng khai thác, phía bờ thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò xuất hiện điểm sạt lở bờ sông. Do vậy, các đơn vị liên quan cho tạm ngưng khai thác để khắc phục.

Chú thích ảnh
Phương tiện khai thác cát phục vụ thi công cao tốc ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) phải tạm ngưng hoạt động.

Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại khu vực gần mỏ cát, tuyến đường đê bao cồn Ông được lót đan rộng 3,5m (thuộc ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung) nằm ven sông Tiền có 2 đoạn bị sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 50m. Trong đó, có một đoạn bị sụt lún nền đường, chênh lệch với mặt đường khoảng 30cm; đoạn còn lại bị sạt lở “ăn” sâu vào bờ, làm cho mặt đường chỉ còn rộng hơn 1m.

Đường đê bao cồn Ông bị sạt lở đã gây nhiều ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Ông Nguyễn Minh Thọn ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung cho hay, trước đây, xe tải vào đến vườn nên việc bán nông sản thuận lợi. Gần đây, đoạn đường cồn Ông sạt lở, mặt đường quá nhỏ nên xe tải không thể vào để chở sầu riêng. Ông phải dùng xe gắn máy chở sầu riêng qua đoạn sạt lở rồi mới đưa lên xe tải, mất nhiều công sức, thời gian.

Sau khi xảy ra sự cố, công ty khai thác cát đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành gia cố, khắc phục điểm sụt lún, sạt lở. Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh cho biết, công ty đã điều động phương tiện chuyên dụng đến để gia cố, sửa chữa khu vực sạt lở, sụt lún bờ sông. Đến nay, việc gia cố cơ bản hoàn thành và chờ đủ thời gian sẽ tiến hành thi công lại mặt đường, trả lại hiện trạng ban đầu. Sau khi hoàn thành việc khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, công ty sẽ có văn bản kèm hồ sơ khắc phục trình cơ quan chuyên môn của tỉnh Đồng Tháp đến thẩm định, xem xét để mỏ cát sớm được hoạt động trở lại phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Kiên Giang kịp thời khắc phục sạt lở phục vụ sản xuất, dân sinh
Kiên Giang kịp thời khắc phục sạt lở phục vụ sản xuất, dân sinh

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sạt lở, sụt lún đất, mùa khô 2023-2024 của tỉnh Kiên Giang, huyện U Minh Thượng có hơn 450 điểm sạt lở, 42 căn nhà bị thiệt hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN