TP Hồ Chí Minh đang có hơn 80.000 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị, cách ly

Ngày 25/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 80.689 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị, cách ly; trong đó có 60.092 người đang được điều trị, cách ly tại nhà.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3 là 14.342 người; 6.255 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và 60.092 người đang cách ly, điều trị tại nhà.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang có 60.092 người mắc COVID-19 đang được cách ly, điều trị tại nhà. 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, chăm sóc F0 ngay từ ban đầu là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để có thể giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong. Theo đó, nhằm quản lý chặt chẽ F0 và tiếp cận F0 một cách nhanh nhất khi phát hiện dương tính, ngành y tế đã có nhiều giải pháp, như: Chính quyền và y tế địa phương phải quản lý được tất cả F0 trên địa bàn, tiếp cận người bệnh trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình, có hướng dẫn phù hợp và cấp phát thuốc kịp thời.

Bên cạnh đó, tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các đơn vị liên quan sẽ đánh giá mức độ, điều kiện chăm sóc, đưa ra phương án theo dõi F0 tại nhà hay bệnh viện. Khi quản lý F0 tại nhà, đảm bảo kết nối thông tin xuyên suốt, các đường dây nóng của tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động ở các địa phương phải hoạt động; đồng thời F0 cũng như gia đình phải nắm thông tin liên hệ của y tế địa phương để có sự can thiệp kịp thời.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố phải nỗ lực để giúp các F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà được tiếp cận với trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Để làm được việc này, Thành phố cần khắc phục một số nguyên nhân khiến người nhân khó khăn trong tiếp cận với y tế địa phương như đường dây nóng gặp sự cố, điện thoại không có người nhấc máy…

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở cũng đã ban hành các quy định về quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, trong đó có quy định chi tiết về nhiệm vụ của trạm y tế, trạm y tế lưu động là quản lý các trường hợp F0 tại địa phương để kịp thời cung cấp các gói thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe, khám chữa bệnh, phát hiện trường hợp diễn tiến nặng để chuyển người bệnh vào các cơ sở điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương, do số lượng nhân viên y tế hạn chế, bị quá tải, không kịp thời nhận thông tin từ người bệnh, Sở Y tế đã tăng cường thêm nhân sự bằng cách điều động nhân viên y tế từ các quận, huyện để tăng cường cho các địa phương có nhiều F0. Các lực lượng từ đoàn viên thanh niên, dân quân đều cùng tham gia vào hoạt động của các trạm y tế lưu động để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin từ các F0.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng kêu gọi F0 tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, có ý thức cộng đồng, thực hiện nghiêm túc cách ly, các biện pháp phòng, chống lây lan để bảo vệ mọi người xung quanh; đặc biệt cần chú ý phòng, chống lây lan cho người thân lớn tuổi trong gia đình.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: F0 tử vong chủ yếu là người lớn tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19
TP Hồ Chí Minh: F0 tử vong chủ yếu là người lớn tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 25/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dù Thành phố đã có rất nhiều biện pháp nhưng trong những ngày qua số F0 có chiều hướng tăng nhẹ và sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN