Ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành công an đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban ngành, quận, huyện và lập danh sách diện được lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi cập nhật xong, công an sẽ kiểm soát người đi đường thông qua công nghệ thông tin bằng mã quét QR.
"Vì vậy, đề nghị các đơn vị cung cấp danh sách đầy đủ và đúng đối tượng để công an kiểm soát chặt chẽ người ra đường. Khi người dân qua các chốt sẽ kiểm tra thông tin được ra đường hay không thông qua mã quét QR. Nếu trường hợp chưa cung cấp thông tin và không có thông tin trên hệ thống, có thể buộc phải quay đầu khi qua các chốt, trạm ra vào thành phố", ông Lê Mạnh Hà nói.
Theo ông Lê Mạnh Hà, hiện đang có tình trạng làm giả, mua bán giấy đi đường, vì vậy Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên mua giấy đi đường giả, tránh bị xử lý. Vừa qua, công an Thành phố cũng đã hướng dẫn các chốt, trạm kiểm tra và sẽ dễ dàng phát hiện giấy đi đường giả. Ngoài ra, sau khi cập nhật danh sách vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người ra đường với các giấy phép sai đối tượng cũng sẽ bị công an xử lý nghiêm.
"Việc giãn cách trong khu dân cư để “ai ở đâu ở yên đó” trong từng hộ dân là yếu tố quyết định thắng lợi trong giãn cách, ngành công an sẽ kiểm tra rất nghiêm công tác này. Tuy nhiên, người dân vẫn phải nêu cao tinh thần tự giác, nghiêm túc thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở yên đó" để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả", ông Lê Mạnh Hà cho biết thêm.
Hiện nay, để siết chặt việc ra đường tại các khu dân cư, Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh đã điều động hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ đến các quận, huyện để đảm nhiệm nhiệm vụ ở các chốt chặn. Các lực lượng ở phường, xã được đưa về khu dân cư để kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình tại khu dân cư.