Đáng chú ý, kể từ ngày 23/8, Thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm kiểm soát được dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Qua 1 tuần triển khai, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành, TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu, bên cạnh đó những bất cập phát sinh cũng từng bước được khắc phục để góp phần thực hiện mục mục kiểm soát dịch COVID-19 trước ngày 15/9 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Bài 1: Giãn cách nghiêm, dốc sức lo an sinh
Nhằm sớm kiểm soát được dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16/CT-TTg. Kể từ 0 giờ ngày 23/8, với phương châm “ai ở đâu ở yên đấy”, Thành phố đã đồng loạt đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát các đối tượng lưu thông trên đường, cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân, chăm lo cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Siết chặt việc đi lại
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc sớm kiểm soát được dịch COVID-19 lây lan, chính là việc siết chặt việc lưu thông của người dân, thực hiện nghiêm phương châm “ai ở đâu ở yên đó”. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, việc giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế sự lây nhiễm, các địa phương phải thực hiện nghiêm, kịp thời cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để "ngoài chặt, trong lỏng".
Hiện nay, ngoài 12 chốt trạm khu vực cửa ngõ TP Hồ Chí Minh còn có hơn 300 chốt trạm được lập trong khu vực nội đô, nhất là ở những địa bàn giáp ranh các quận, huyện hoặc giữa các phường, xã, thị trấn. Để kiểm soát việc di chuyển tại các chốt trạm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh lực lượng y tế, công an, quân đội, dân quân, đoàn viên, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố… Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã tăng cường hỗ trợ nhân lực cho Thành phố. Tính đến ngày 29/8, Thành phố đã tiếp nhận 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động; 786 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an; 11.177 chiến sĩ, y bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu.
Lực lượng tăng cường của các bộ thực hiện nhiệm vụ tại các Trạm Y tế lưu động, xét nghiệm, tiêm vaccine, tư vấn hỗ trợ điều trị F0 cộng đồng, tuần tra tại các chốt trạm cũng như tuyên truyền, vận chuyển túi an sinh xã hội… trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, 1.200 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và 35.000 dân quân đã tham gia các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Lực lượng này còn kiêm thêm cả việc khâm liệm, đưa tro cốt người chết do COVID-19 về với gia đình.
Nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đặc biệt từ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh siết chặt việc di chuyển khi quy định chỉ còn 17 nhóm đối tượng được ra đường, có giấy đi đường do Công an Thành phố cấp, hoạt động trong khung giờ nhất định. Các nhóm đối tượng được phép ra đường trong thời gian từ ngày 25/8 đến ngày 6/9, phải mang theo giấy đi đường có đóng mộc sống, có số thứ tự, ký hiệu nhận diện đơn vị công tác, xuất trình kèm chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành, tại các chốt trạm.
Theo ghi nhận, từ khi triển khai việc cấp giấy đi đường (do Cơ quan Công an cấp), lượng phương tiện lưu thông trên đường hằng ngày đã giảm rõ rệt, chủ yếu là các nhóm đối tượng được phép ra đường theo quy định. Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi Thành phố tăng cường các giải pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, lượng phượng tiện lưu thông giảm từ 85-90% so với thời điểm chưa siết chặt giãn cách.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đánh giá: Thời gian qua, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn Thành phố có sự chuyển biến tốt, ý thức chấp hành của người dân và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, các lực lượng có sự chuyển biến tích cực. Lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh so với trước khi thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Phát huy những kết quả này, Thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội trong những ngày tới.
Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội
Từ khi bắt đầu triển khai các biện pháp tăng cường thực hiện triệt để giãn cách xã hội theo phương châm “ai ở đâu ở yên đó”, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ những đối tượng lao động thu nhập thấp, nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện phương thức “đi chợ hộ” cho người dân.
Đến nay đã có nhiều “túi an sinh” của các bộ, ngành, chính quyền các cấp Thành phố được triển khai như 1 triệu “túi an sinh” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 2 triệu “túi an sinh” xã hội của Ủy ban nhân dân Thành phố… đã hỗ trợ kịp thời cho công nhân, người lao động, hộ gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có quyết định hỗ trợ TP Hồ Chí Minh 71.000 tấn gạo, Thành phố đã nhận giai đoạn 1 với 14.500 tấn, nhanh chóng hỗ trợ người dân trên địa bàn và đang kiến nghị Chính phủ cấp phát số gạo còn lại.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Giám đốc Trung tâm An sinh TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đang triển khai chương trình 2 triệu “túi an sinh” xã hội; riêng các trường hợp F0, “túi an sinh” còn có thêm sữa, cháo dành cho người ốm. Dịch bệnh có thể kéo dài nên Trung tâm đã có sự chuẩn bị từ nay đến cuối năm 2021 và kêu gọi nhân dân chia sẻ, đóng góp. Tính từ ngày 15-29/8, tổng số “túi an sinh” đã chuyển tới các quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 960.210 túi.
Để người dân dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận các gói an sinh, thời gian qua, Thành phố đã triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến đề nghị túi hỗ trợ an sinh hay tiền trợ cấp, được thiết lập cùng chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” trên fanpage Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ https://bit.ly/dangkyhotrocovid. Trong đó, “túi an sinh” bao gồm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm giúp người dân có thể ăn uống trong khoảng một tuần.
Từ 12 giờ ngày 28/8, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã nâng cao năng lực tiếp nhận của Tổng đài 1022 để kịp thời hỗ trợ thông tin người dân cần khi gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tất cả cuộc gọi đến tổng đài 1022 đều được các doanh nghiệp viễn thông miễn cước. Bên cạnh cách thức gọi điện đến tổng đài 1022, người dân sử dụng các loại điện thoại thông minh có kết nối Internet có thể gửi đề nghị hỗ trợ qua 3 phương thức khác như truy cập vào website: tongdai1022.tphcm.gov.vn, gửi tin nhắn đến trang Zalo “1022 TP.HCM” và gửi phản ánh qua ứng dụng “Tổng đài 1022” trên điện thoại thông minh.
Ở khía cạnh khác, để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, nhất là lao động tự do, công nhân khó khăn trong chi trả tiền trọ, các ngành, địa phương của Thành phố đã tích cực vận động và đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn, giảm giá thuê 273.728 phòng trọ với số tiền hơn 158 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ ngày 23-29/8, Thành phố đã tiếp nhận 740 đối tượng cơ nhỡ, lang thang nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội để chăm sóc, tiếp nhận 90 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 và Cơ sở tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu.
Tính đến ngày 29/8, Thành phố đã hỗ trợ 67.407/68.860 lao động thất nghiệp (đạt 97,89%) với kinh phí gần 141 tỷ đồng; hỗ trợ 913.014/1.369.156 lao động tự do bị mất việc với kinh phí hơn 1.369 tỷ đồng. Thành phố cũng đã hỗ trợ tất cả 5.861 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với kinh phí gần 12 tỷ đồng; hỗ trợ 20.829/21.166 thương nhân tại các chợ truyền thống (đạt 98,41%) với kinh phí hơn 32 tỷ đồng.
Đồng thời, Thành phố đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 101.356 đơn vị với hơn 2,3 triệu người lao động, kinh phí hơn 1.060 tỷ đồng; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 154 đơn vị với hơn 31.079 lao động, tổng kinh phí hơn 236 tỷ đồng.
Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã thống nhất chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cho 53.776/53.901 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí gần 59 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 314.732/1.223.973 hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa với kinh phí hơn 456 tỷ đồng.
Để đảm bảo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai các hình thức “đi chợ hộ” cho người dân. Theo đó, các Tổ công tác đặc biệt được thành lập ở các phường, xã, thị trấn đứng ra phụ trách. Lực lượng quân đội, công an cũng đã hỗ trợ các Tổ công tác, điểm an sinh phường, xã, thị trấn cấp phát lương thực, thực phẩm đến các hộ dân; triển khai hình thức "đi chợ hộ" theo gói combo 1 tuấn/lần cũng như hỗ trợ người dân mua thuốc và các nhu cầu thiết yếu khác. Từ ngày 23–28/8, Thành phố đã tổ chức "đi chợ hộ" cho 411.922/508.666 hộ đăng ký.
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban, kiêm Người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ "đi chợ hộ" chưa từng có trong lịch sử và là bài toán đa biến, do đó người dân nên thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng phù hợp và thích nghi với thời điểm dịch bệnh hiện nay. Cùng với nhiệm vụ "đi chợ hộ", lực lượng vũ trang còn có những nhiệm vụ quan trong hơn như phối hợp với các sở, ngành trong công tác vận động, tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ cũng như chốt chặn, tuần tra, tiêm chủng, sơ cấp cứu...
Bài cuối: Sớm khắc phục những bất cập