Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nỗ lực, phòng vệ trước dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong ngày 28/5, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo người lao động hạn chế đến nơi tập trung đông người. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư trang thiết bị, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh ngay trong doanh nghiệp, trên các chuyến xe đưa rước và cả nơi ở của công nhân.

Chú thích ảnh
Công nhân công ty TNHH Jabil Việt Nam (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) thực hiện khai báo y tế trước khi vào công ty làm việc. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch

Ghi nhận công tác phòng, chống dịch tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da tại quận Bình Tân) có hơn 60.000 công nhân đang làm việc cho thấy, tất cả công nhân trước khi vào ca làm việc đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và thực hiện rửa tay khử khuẩn ngay tại khu vực sân của doanh nghiệp. Bữa ăn của công nhân cũng được bố trí lệch giờ nhằm tránh tình trạng tập trung đông người; bàn ăn của người lao động được lau dọn, khử khuẩn thường xuyên và duy trì vách ngăn để tránh tiếp xúc gần.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến nghị của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch COVID-19 qua loa phát thanh. Mỗi ngày, doanh nghiệp đều phát cho mỗi người lao động một khẩu trang (6 chiếc/tuần) để sử dụng trong suốt thời gian làm việc, khi còn ở bên trong công ty và cả lúc trên xe đưa đón công nhân đi hay về.

Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam cho biết, Pou Yuen là doanh nghiệp có đông công nhân nên lãnh đạo doanh nghiệp cũng rất e ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như Công đoàn đều cố gắng hết mình tuyên truyền vận động, tổ chức kiểm tra, giám sát người lao động và thực hiện các biện pháp tốt nhất có thể để không xảy ra tình trạng dịch bệnh trong doanh nghiệp.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè cũng đã tăng cường hàng chục bảo vệ và nhân viên y tế để kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn đối với công nhân vào đầu giờ mỗi ca. Riêng các nhân viên đi công tác ở tỉnh, thành phố khác hay công nhân ra khỏi địa phận thành phố hoặc các khách hàng, đối tác ra vào cơ quan đều phải thực hiện khai báo y tế theo quy định; những trường hợp đi qua vùng dịch được hướng dẫn kiểm tra dịch tế và yêu cầu không đến nơi làm việc.

Theo anh Phạm Hoàng Danh, nhân viên Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè, để tăng cường sức khỏe, đề kháng cho người lao động, doanh nghiệp còn hướng dẫn công nhân uống nước gừng ấm được chuẩn bị sẵn trước khi vào tổ, lên chuyền máy. 100% công nhân phải thực hiện đeo khẩu trang trong suốt giờ làm, nếu vi phạm lần đầu nhắc nhở, lần thứ hai sẽ áp dụng hình thức phạt…

Tương tự, Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (Khu Công nghiệp Tân Bình) cũng đã phát đi cảnh báo cho người lao động về hiểm họa dịch bệnh hiện nay. Đồng thời, đề nghị người lao động thường xuyên theo dõi thông tin, cập nhận tình hình dịch COVID-19; hạn chế tụ tập tại nơi làm việc, nơi ở, những chỗ đông người và những nơi thành phố khuyến cáo không nên đến. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công cho biết thêm, trong những ngày này doanh nghiệp cũng đã tăng cường kiểm soát và nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bên trong đến bên ngoài doanh nghiệp.

Cụ thể, trước giờ vào làm, doanh nghiệp tổ chức đo thân nhiệt, công nhân thực hiện rửa tay khử khuẩn bằng nước sát trùng, đeo khẩu trang; tại khu vực ăn giữa ca, đơn vị cũng lắp vách ngăn trên từng bàn ăn hạn chế công nhân tiếp xúc lẫn nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp còn khuyến cáo công nhân sau khi rời khỏi công ty tránh tụ tập, hạn chế đi đến những nơi đông người, không ra ngoài đường nếu thấy thật sự không cần thiết, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng và tuân thủ các biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế…

Tại quận Tân Phú, bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú cho biết, hiện 100% doanh nghiệp đã ký cam kết với Công đoàn theo phân cấp. Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt việc sàng lọc đo thân nhiệt ,rửa tay và cung cấp khẩu trang 100% cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp có đông công nhân cũng đã thực hiện giãn cách ngày làm - ngày nghỉ hoặc chia nhóm vẫn hưởng lương 100%; có doanh nghiệp tạm thời cho người lao động cho nghỉ 1 tuần và thực hiện chi trả 70% lương; có doanh nghiệp tổ chức làm việc từ xa... "Riêng các trường hợp người lao động được xác định tiếp xúc gần sẽ thực hiện cách ly tại 2 điểm đã được bố trí trước đó ở quận Tân Phú; những người có liên quan quan hoặc có đến khu vực có dịch đều được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và tạm thời cách ly tại nhà hoặc tại đơn vị làm việc như trường hợp của bệnh viện quận Tân Phú", bà Lan chia sẻ.

Công nhân tự bảo vệ mình

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến không ít doanh nghiệp và nhất là người lao động lo lắng sợ bị tác động, ảnh hưởng. Nhiều công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, người lao động bên trong và cả bên ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để có thể tự bao vệ bản thân và cho gia đình mình.

Ghi nhận tại phần lớn các doanh nghiệp, 100% công nhân, người lao động đều thực hiện đeo khẩu trang ở nơi làm việc, khu vực công cộng và cả khi tham gia giao thông. Phần lớn công nhân cũng ý thức thường xuyên rửa tay, khử khuẩn, nhất là khi đến nơi làm việc hay trước và sau khi ăn.

Chị Lưu Thị Kiều Oanh, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim may Organ Việt Nam cho biết, công nhân ở đây thường có sự tương tác cao trong quá trình làm việc, sinh hoạt và cả ở nhà. “Nếu dịch bệnh khiến doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hay người lao động tạm ngừng việc hoặc bị cách ly thì cả nhà không biết tính sao… Do đó, mỗi người phải tự bảo vệ mình, ngăn ngừa dịch bệnh cũng chính là bảo vệ gia đình, bảo vệ doanh nghiệp”, chị Oanh chia sẻ.

Cùng quan điểm, anh Phạm Hoàng Danh, nhân viên Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết, trong thời gian qua, mỗi ngày canh đều đi thẳng từ nơi làm việc đến nhà và ngược lại. Theo anh Danh, tình hình dịch bệnh mỗi ngày một căng, nên anh cũng chẳng dám đi đâu dù đã thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, mấy ngày gần đây các hàng, quán cũng đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi, nên giải pháp đi thẳng về nhà là lành nhất...

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, trong những ngày qua, nhiều người lao động cũng đã đồng tình tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên nhằm tăng cường tính chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 20.000 công nhân tại các doanh nghiệp trong khu đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và hầu hết là cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trực tiếp tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên tại khu chế xuất Tân Thuận, chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim may Organ Việt Nam cho biết, ban đầu việc lấy mẫu xét nghiệm khiến nhiều công nhân, người lao động e ngại. "Tuy nhiên, khi hiểu được việc xét nghiệm này có lợi cho mình, cho cộng đồng thì mọi người yên tâm tham gia nghiêm túc; đồng thời, bày tỏ sự đồng tình, bởi có dịp được kiểm tra sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp", chị Hòa chia sẻ.

Đánh giá cao ý thức tự bảo vệ mình của công nhân, ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng, việc lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên còn là một biện pháp kiểm tra chéo cần thiết, nhất là đối với các công ty có tới hàng nghìn công nhân lao động, qua đó giúp các đơn vị chức năng bao vây, tầm soát diện rộng, phát hiện nhanh COVID-19 để kịp thời khoanh vùng chống dịch.

Riêng trường hợp 700 công nhân ở công ty thiết bị nhà bếp VINA nằm trong Khu công nghiệp Tân Bình đã được lực lượng chức năng lấy mẫu ngay trong tối 28/5 và đang chờ kết quả xét nghiệm để đánh giá nguy cơ do có ca nhiễm COVID-19 sinh hoạt ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Trước mắt, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa, cách ly y tế Công ty này; cách ly tạm thời 700 công nhân và nhanh chóng điều tra truy vết các trường hợp liên quan để khoanh vùng cách ly, dập dịch.

Theo Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, hiện các doanh nghiệp đã kích hoạt quy trình phòng, chống dịch COVID-19; tình huống khi có ca viêm hô hấp cấp tính trong giờ làm việc tại doanh nghiệp theo quy trình 6 bước; trường hợp xét nghiệp dương tính với SARS-CoV-2 đang làm việc tại doanh nghiệp theo quy trình 9 bước; trường hợp chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không hiện diện tại doanh nghiệp theo quy trình 8 bước.

Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã vận động các doanh nghiệp thực hiện chi trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng đối với những trường hợp bị cách ly. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4. Trong đó, tập trung hỗ trợ các lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động là F0, F1 phải cách ly y tế 21 ngày, có quyết định cách ly y tế tại nhà, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi...

Cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 vừa để bảo vệ công nhân, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong từng đơn vị, kích hoạt các bộ chỉ số an toàn sản xuất, đánh giá của doanh nghiệp; xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sáng tạo, hiệu quả theo 5 nguyên tắc gồm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và phương châm 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện các doanh nghiệp trong khu cũng đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh liên quan đến dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công nhân. Các doanh nghiệp nắm chắc số lượng khách khai báo y tế ra vào trong đơn vị, danh sách người lao động tại nơi cư trú để thuận tiên cho công tác điều tra dịch tễ; thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, khu lưu trú công nhân lao động; vận động người lao động cài đặt phần mềm NCovi/Bluezone của Bộ Y tế.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại các doanh nghiệp, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả trên hệ thống Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. Đặc biệt, Công đoàn thuộc các ngành y tế, giáo dục, cơ sở du lịch, sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe, giao thông vận tải chủ động phối hợp các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh; bố trí, sắp xếp nhân sự làm việc giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người nhưng vẫn đảm bảo nhân lực phục vụ hoạt động.

Cảnh giác ở mức cao nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên có các chuyến đi thị sát ghi nhận doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có sự chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong lưu ý các ngành chức năng cùng doanh nghiệp tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong các khu chế xuất, khu công nghiệp; phải xem phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Thanh Vũ (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh tạm ngưng một số tuyến xe buýt trợ giá để phòng dịch
TP Hồ Chí Minh tạm ngưng một số tuyến xe buýt trợ giá để phòng dịch

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh, một số tuyến xe buýt có trợ giá tại TP Hồ Chí Minh sẽ tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN