Sáng 29/5, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với đợt dịch bệnh lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 76 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 1 trường hợp ghi nhận sáng 29/4 liên quan đến ca nhiễm ở tỉnh Hà Nam và 75 trường hợp ghi nhận từ ngày 18/5 đến nay.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang có 4 chuỗi lây nhiễm. Đó là chuỗi lây nhiễm trong công ty Quận 3; chuỗi lây nhiễm tại quán bánh canh ở Quận 3; chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục hưng và chuỗi lây nhiễm phát hiện từ Bệnh viện Hoàn Mỹ.
Theo đó, chuỗi lây nhiễm trong công ty ở Quận 3 được phát hiện ngày 18/5, gồm 2 trường hợp (BN4514, BN4583) là đồng nghiệp làm việc trong một công ty, cư trú tại Quận 7 và thành phố Thủ Đức. Trong đó, bệnh nhân 4583 có yếu tố dịch tễ đi Hải Phòng từ ngày 24/4 đến ngày 3/5.
Hiện chuỗi lây nhiễm này đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng triệt để với 193 người tiếp xúc gần, 1.380 người tiếp xúc khác. Mở rộng xét nghiệm tại các khu vực liên quan cho 9.113 người, đến nay, TP Hồ Chí Minh không phát hiện thêm người mắc bệnh từ chuỗi này. Kết quả giải trình tự gene hai bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng Ấn Độ.
Chuỗi lây nhiễm tại quán bánh canh tại Quận 3 được phát hiện ngày 21/5 gồm 5 trường hợp (BN4780, BN4781, BN4782, BN5329, BN5463).
Chuỗi lây nhiễm này đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để với 174 người tiếp xúc gần, 835 người tiếp xúc khác. Mở rộng xét nghiệm cho 1.382 người, đến nay TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện thêm người mắc bệnh có liên quan chuỗi này. Kết quả giải trình tự gen các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này là biến chủng Anh.
Chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục hưng được phát hiện tối ngày 26/5 với 3 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 khi các trường hợp này đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Qua điều tra dịch tễ, xác định cả 3 bệnh nhân đều là thành viên của một tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục hưng, địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp. Kết quả truy vết cho thấy, BN6293 từng di chuyển ra Hà Nội từ ngày 23/4 đến 29/4, có triệu chứng bệnh từ ngày 13/5.
Qua hoạt động điều tra truy vết, xét nghiệm mở rộng, đồng thời thành viên của tổ chức trên cũng tự khai báo hoặc phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, tính đến 15 giờ ngày 28/5, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 64 trường hợp mắc COVID-19 từ chuỗi này. Có 16/22 quận, huyện có liên quan đến các ca bệnh gồm: thành phố Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, Quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.
Đối với chuỗi lây nhiễm này, Thành phố đã truy vết được tổng số F1 là 958 người, trong đó có 671 mẫu âm tính, 287 mẫu đang chờ kết quả; tổng số F2 là 37.921 người, trong đó có 11.483 mẫu âm tính, 26.438 mẫu đang chờ kết quả. Kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm này đều thuộc biến chủng Ấn Độ.
Chuỗi lây nhiễm phát hiện từ Bệnh viện Hoàn Mỹ được phát hiện ngày 27/5 khi có 2 trường hợp là vợ chồng đến đây khám bệnh và được xác định mắc COVID-19 (BN 6444, BN 6445). Sau đó, vào ngày 28/5, TP Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp dương tính khác, là con trai của 2 vợ chồng nêu trên và 1 đồng nghiệp của người vợ (BN 6447).
Với chuỗi lây nhiễm này, ngành y tế đã phát hiện được 14 người là F1 và 100 người có tiếp xúc khác. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cách ly, lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm; đồng thời mở rộng truy vết, xem có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng hay không, do xảy ra cùng thời điểm.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, để ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm trên, hiện TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương, thần tốc điều tra, truy vết đối với các chuỗi lây nhiễm; khoanh vùng phong tỏa phù hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh; mở rộng xét nghiệm tìm kiếm nguồn lây nhiễm xung quanh khu vực phong tỏa, xét nghiệm cho thành viên tổ bầu cử, người dân tại các điểm bầu cử liên quan đến ca nhiễm; tạm dừng nhiều hoạt động không thiết yếu; tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 10 người trở lên tại nơi tín ngưỡng, thờ tự; vận hành 69 chốt, trạm kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 15/5; thành lập 3 Đoàn kiểm tra cấp Thành phố và các đoàn kiểm tra cấp, quận, huyện, phường xã, thị trấn đồng loạt kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, kinh doanh thức ăn đường phố không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến…
“TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi cơ quan, công sở thành lập Tổ an toàn COVID-19; khách đến làm việc, công tác phải khai báo y tế và kiểm soát y tế... Vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức cài đặt phần mềm Bluezone; các đơn vị, sở ngành, quận huyện phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng trong việc tuyên truyền, phát hiện người nhập cảnh trái phép, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm; tiếp tục yêu cầu người dân tự giác chấp hành các biện pháp 5K của Bộ Y tế; không tụ tập trên 10 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.