Y tế đến từng thôn, buôn

Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên trong những năm qua đã có những chuyển biến quan trọng. Cơ sở vật chất của ngành y tế đã tăng gấp 3 lần; mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng đến hầu hết các thôn buôn; trên 66% số xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Việc tập trung mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở khu vực Tây Nguyên, đóng vai trò quan trọng nhất để sớm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

100% số xã đều có trạm y tế


Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay 100% số xã của các tỉnh Tây Nguyên đều có trạm y tế, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào các dân tộc. Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện công tác cử tuyển đối với nguồn nhân lực y tế cơ sở, các tỉnh Tây Nguyên đã có chính sách thu hút y, bác sỹ về công tác tại các trạm y tế xã. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đào tạo, bồi dưỡng các bà đỡ dân gian làm hộ sinh, chăm sóc thai sản đang phục vụ cộng đồng tại các thôn, buôn, bon, làng.

Các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn Tây Nguyên đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.Ảnh: Quang Huy


Trạm y tế tuyến xã đều được cung cấp các trang thiết bị, thuốc theo đúng phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế quy định, nguồn thuốc Bảo hiểm y tế cũng được triển khai đến hầu hết các trạm y tế để phục vụ tốt yêu cầu khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Qua kiểm tra, gần 30% số trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; riêng tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ này đạt 45%.

Các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn Tây Nguyên đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào các dân tộc, nhất là tiêm chủng các loại vắcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đạt tỷ lệ khá cao và duy trì ở mức trên 95% trong nhiều năm liền. Số phụ nữ đến thăm khám thai, sinh nở tại trạm y tế ngày càng tăng. Các loại dịch bệnh thông thường lưu hành trên địa bàn như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch… đã được khống chế.

Các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn đầu tư để sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế đồng thời, trang bị đầy đủ các trang thiết bị; cho phép được tiếp tục triển khai chính sách cử tuyển, hợp đồng đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ...

Dành nguồn lực cho tuyến cơ sở

Trong 10 năm vừa qua cơ sở vật chất của ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đã tăng trên 3 lần, xây dựng được hệ thống y tế cơ sở rộng khắp, 100% số xã có trạm y tế, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, hiện có 18.325 người đang làm việc tại các tuyến (tăng 3,5 lần so với năm 2001). Mạng lưới y tế công cộng mở rộng, số nhân viên y tế thôn, buôn không ngừng tăng lên, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi làm việc, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc đạt trên 79%. Đến nay có trên 66,25% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, một số chỉ tiêu chuyên môn về y tế đạt khá. Các dịch bệnh thường lưu hành như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch… đã được khống chế: Sốt rét giảm 86%, bệnh lao giảm 66%, bướu cổ giảm 57%.

Bộ Y tế và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa tổ chức Hội nghị triển khai và ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2. Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 với tổng số vốn: 76.600.000 USD, trong đó vay ADB 70.000.000 USD, vốn đối ứng 137, 5 tỷ đồng (tương đương 6.600.000 USD). Cơ quan chủ quản là Bộ Y tế, cơ quan thực hiện dự án là Ban quản lý dự án Trung ương thuộc Bộ Y tế; các Ban quản lý dự án tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế của 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Kom Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Giai đoạn thực hiện dự án từ 2014 - 2019.

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin của Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao và duy trì ở mức trên 95% trong nhiều năm liên tục.

Tuy nhiên khu vực Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tình trạng tăng dân số cơ học, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống cách biệt tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, trong quá trình đô thị hóa, thay đổi môi trường sinh thái… Tất cả các yếu tố trên tác động không nhỏ đến hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực Tây Nguyên. Một số chỉ tiêu về sức khoẻ vẫn ở mức cao so với toàn quốc như tỷ suất tử vong trẻ em ở Tây Nguyên là 24,3/1.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng đang ở mức cao trên 30%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc đầu tư cho y tế cơ sở khu vực Tây Nguyên cần phải thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, dồn tiền từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình, dự án. Đây là một trong những ưu tiên không chỉ của Bộ Y tế, của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, mà còn của chính quyền, các cấp khu vực Tây Nguyên. Tập trung đầu tư y tế cho tuyến huyện, tuyến xã, lựa chọn các ưu tiên đầu tư cho phù hợp với từng tuyến. Ngoài ra để phát triển mạng lưới y tế cơ sở khu vực Tây Nguyên cần phải thực hiện động bộ các giải pháp về tài chính, bảo hiểm y tế, phát triển nguồn nhân lực với 3 chính sách lớn như là chính sách thu hút đãi ngộ, tăng cường đào tạo tại chỗ, đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2, đào tạo cử tuyển, ưu tiên đào tạo cho cán bộ y tế đang làm tại các trạm y tế xã, cho nhân viên y tế thôn bản, chiến lược và chính sách đào tạo liên tục cho y tế cơ sở.

Tập trung vào đào tạo nhân lực chuyên ngành

Hiện nay chỉ số sức khỏe là vấn đề ưu tiên của khu vực Tây Nguyên. Cụ thể, tuổi thọ của người dân ở khu vực Tây Nguyên còn thấp hơn các khu vực khác trên cả nước; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, chỉ số tử vong bà mẹ khi sinh và tử vong trẻ sơ sinh đều cao hơn cả nước. Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, các cơ sở khám chữa bệnh ở 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ được cải thiện cơ sở vật chất thông qua việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa khoảng 50 trạm y tế cộng đồng, 10 cơ sở khám đa khoa khu vực và 9 bệnh viện huyện; cung cấp trang thiết bị y tế và hệ thống thông tin quản lý y tế cho các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã và túi y tế thôn bản; phát triển nguồn nhân lực y tế; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại cộng đồng. Dự án cần tập trung vào đào tạo nhân lực chuyên ngành còn đang yếu và thiếu, không phải đào tạo theo nguyện vọng chuyên khoa của bác sĩ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

 

Trên 90% trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng vắcxin sởi - rubella

Ngành y tế Kon Tum đã làm tốt công tác tuyên truyền lợi ích của việc tiêm chủng vắcxin sởi - rubella đến các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi cần tiêm chủng, đặc biệt là các phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số. Các trung tâm y tế tại các xã đã sàng lọc, khám lâm sàng cho tất cả các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, động viên các phụ huynh đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để được khám, tư vấn và tiêm chủng vắcxin sởi- rubella. Các cán bộ y tế được tập huấn, cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn của ngành y tế rồi mới được phân về các điểm tiêm chủng. Để chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh sởi - rubella đạt kết quả cao, không xảy ra những sai sót đáng tiếc, ngành y tế Kon Tum đã chuẩn bị kỹ từ công tác tuyên truyền, vận động, sàng lọc trẻ đến tập huấn, thực hành các kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sỹ thực hiện công tác tiêm chủng. Ngành y tế đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động các bà mẹ dân tộc thiểu số, giúp họ hiểu về lợi ích của việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sởi - rubella.

Bác sĩ Phan Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Kon Tum



V.T - Quang Huy
Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quí
Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quí

Lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng đã cho Tây Nguyên một hệ thực vật rừng phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN