Đầu tư y tế cơ sở Tây Nguyên: Chăm sóc sức khỏe cho người dân Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, với 61 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 726 xã, thị trấn, 7.813 thôn, buôn, bon, làng. Dân số toàn vùng có gần 5,46 triệu người thuộc 54 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Kinh chiếm khoảng 62%. Tây Nguyên là một tiểu vùng, vùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hợp thành vùng miền Trung - Tây Nguyên.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương, kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,26 triệu đồng/người/năm, thu hẹp khoảng cách rất nhanh so với mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống về vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng không ngừng được cải thiện.

Mạng lưới y tế rộng khắp giúp người dân Tây Nguyên được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ y tế.


Cùng với thành tựu chung đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên cũng đạt được nhiều thành quả quan trọng. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã có 62,33% tỷ lệ người có bảo hiểm y tế (Đắk Lắk có 71%, Đắk Nông 60%, Gia Lai 65%, Kon Tum 83,2%, Lâm Đồng 61,7%) ở mức cao so với cả nước. Cơ sở vật chất của ngành y tế của các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng lên trên 3 lần và đã hình thành hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, 100% số xã có trạm y tế.

Đội ngũ cán bộ y tế cũng được tăng cường, hiện có trên 18.325 người đang làm việc ở các tuyến (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011). Mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng, số nhân viên y tế thôn, buôn, bon, làng không ngừng tăng lên, 100% số xã đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi làm việc, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc đạt trên 79%, trong đó tỉnh Đắk Lắk có gần 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Toàn vùng Tây Nguyên hiện nay cũng đã có trên 66,25% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, một số chỉ tiêu chuyên môn về y tế đạt khá.

Trong vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng, số phụ nữ đến sinh tại trạm y tế xã ngày càng tăng. Các dịch bệnh thường lưu hành trong khu vực như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch… đã được khống chế. Công tác khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 139, 14 của Thủ tướng Chính phủ đã được quan tâm, nhất là cải tiến về thủ tục, tạo thuận lợi cho đồng bào đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập…

Tuy mạng lưới y tế cơ sở được đánh giá còn mỏng so với một số vùng miền khác trong cả nước nhưng tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc- xin của chương trình tiêm chủng mở rộng tại Tây Nguyên đạt tỷ lệ khá cao và được duy trì ở mức trên dưới 95% trong nhiều năm liên tục.


Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá tình hình y tế thôn, buôn, bon, làng và công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, cơ sở vật chất, chất lượng y tế ở tuyến cơ sở ở một số khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ trẻ tử vong (IMR) ở Tây Nguyên còn cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức trên 30%, trong đó, tỉnh Kon Tum tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn chiếm tỷ lệ cao nhất là trên 41,5%....

Để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai chính sách cử tuyển và hợp đồng đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ, tăng cường công tác quản lý cán bộ sau đào tạo, phối hợp với việc thực hiện chính sách thu hút cán bộ phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả và ổn định nguồn nhân lực y tế ở cơ sở. Đồng thời, mở rộng hình thức đào tạo này để đào tạo các chuyên khoa định hướng, chuyên khoa kỹ thuật cao cho các địa phương. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị máy móc thiết yếu cho các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm y tế dự phòng, phấn đấu các Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh ở vùng Tây Nguyên đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2015.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng, các địa phương vùng Tây Nguyên điều chỉnh hệ số khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất, giải quyết kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm cho các địa phương để giúp ngành y tế tăng cường thêm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và giúp giảm tải khám chữa bệnh cho tuyến trên.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường công tác truyền thông (thay đổi hành vi) về ý thức, biện pháp tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho chính mình, cho gia đình. Đồng thời, tăng cường truyền thông về các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trong khu vực, áp dụng các chính sách ưu tiên trong việc huy động các nguồn đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước. Kêu gọi và vận động các tổ chức, cá nhân có điều kiện cùng tham gia hỗ trợ đầu tư quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực một cách bền vững, hiệu quả.

Bài và ảnh: Quang Huy

Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quí
Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quí

Lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng đã cho Tây Nguyên một hệ thực vật rừng phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN