Vết sạn trong “bữa ăn miễn phí” tại Ấn Độ

Một chương trình quốc gia cung cấp bữa trưa cho trẻ em với quy mô chưa từng có, mang ý nghĩa nhân đạo lớn lao và được gửi gắm nhiều kỳ vọng tại Ấn Độ, nhưng sau thảm kịch 23 trẻ em tử vong do ngộ độc thực phẩm, chính những cá nhân được hưởng lợi trực tiếp lại đang lo ngại và không muốn chương trình này tiếp tục.

 

Chương trình quốc gia trị giá 22 tỉ USD/năm cung cấp bữa ăn trưa miễn phí tới 120 triệu học sinh tiểu học khắp Ấn Độ đã có tác động lớn tới việc giảm tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, đồng thời khuyến khích các em nhỏ tại những nơi có điều kiện khó khăn đến trường.

Học sinh tại một trường tiểu học ở bang Bihar nhận bữa ăn trưa miễn phí hôm 19/7.Internet


Tamil Nadu là bang đầu tiên tại Ấn Độ thực hiện chương trình cung cấp bữa ăn trưa từ năm 1982. Sau đó, các bang khác dần dần tham gia và đến năm 2001, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu tất cả các bang phải cung cấp bữa ăn trưa miễn phí tại các trường tiểu học công, phục vụ học sinh dưới 13 tuổi. Theo chương trình, hàng tháng mỗi em nhỏ sẽ được cung cấp 3 kg ngũ cốc.


“Đối với nhiều em nhỏ, bữa ăn giữa ngày tại trường học thường xuyên trở thành bữa ăn duy nhất trong cả ngày”, Alex George, nhân viên của một tổ chức nhân đạo về quyền trẻ em tại Ấn Độ cho biết. Còn theo nhà kinh tế học tại Delhi, Reetika Khera, “trẻ em nghèo đã có thêm thời gian tại trường học nhờ những bữa trưa như vậy”. Nhiều chuyên gia cũng nhận định chương trình bữa ăn trưa miễn phí là loại “vũ khí” quan trọng nhất trong “cuộc chiến” chống suy dinh dưỡng tại Ấn Độ. Một cuộc điều tra của chính phủ Ấn Độ được thực hiện vào năm 2012 cho thấy 42% trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này bị thiếu cân.


Tuy vậy, sau vụ ngộ độc thức ăn nghiêm trọng gây ra cái chết thương tâm của 23 học sinh tiểu học ở bang Bihar hôm 16/7, nhiều bất cập trong chương trình bữa ăn miễn phí này đã được “mổ xẻ”. Một làn sóng lo ngại đã dấy lên trong dư luận, đặc biệt là xung quanh vấn đề kiểm tra chất lượng thực phẩm. Hàng chục nghìn trẻ em Ấn Độ hiện đã từ chối bữa trưa của chính phủ. Năm 2010, một báo cáo về chương trình cho thấy phần lớn các trường được kiểm tra đều thiếu các dụng cụ làm bếp, thiếu nơi cất trữ lương thực an toàn và thậm chí ở một số nơi, bếp ăn nằm ngay ngoài trời. Nhiều bang tại Ấn Độ còn đối mặt với tình trạng thiếu người làm bếp, do vậy các giáo viên phải đảm nhiệm luôn việc mua thực phẩm và phục vụ, còn học sinh có nhiệm vụ vệ sinh dụng cụ nhà bếp.


Bản báo cáo chỉ trích những người có thẩm quyền tại các địa phương thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn chuỗi cung cấp thực phẩm, dẫn đến tình trạng rút ruột và giả mạo. Theo báo cáo, bang Bihar là nơi các trường học thường xuyên nhận ngũ cốc không đúng lịch trình và thậm chí hơn 70% học sinh tại đây được hỏi đều tỏ ý kiến không hài lòng với chất lượng của các bữa trưa.

Tuy nhiên vẫn có những bang nỗ lực thực hiện tốt chương trình. Bà Reetika Khera cho biết: “Mỗi tuần có 2 buổi các em học sinh tại bang Rajasthan được cung cấp thêm hoa quả, còn tại bang Orissa là trứng luộc. Giống như tại Bihar, các bang trên là những bang nghèo nhưng họ đặt sức khỏe của trẻ em lên hàng đầu”.


Sinha, một thành viên của Chiến dịch quyền lợi về thực phẩm nhận định: “Trong khi những vấn đề như cơ sở hạ tầng, cách thức hoạt động chưa được tốt thì sự thiếu kiểm soát cũng là một vấn đề lớn. Tuy nhiên chương trình này thực sự có hiệu quả, nó đã đưa trẻ em từ các gia đình nghèo đến trường và đảm bảo rằng các em sẽ gắn bó với trường học lâu dài”.


Hà Linh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN