Trong hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức cuối tháng 1/2015, quy định về lãi suất cho phép trong hợp đồng vay tài sản đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược.Cụ thể, Điều 491 dự thảo Bộ luật quy định, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trong khi đó, theo BLDS hiện hành, mức giới hạn này không quá 150% lãi suất cơ bản.
Hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc xác định lãi suất cho vay theo mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố hay quy định mức trần ngay trong Bộ luật Dân sự. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Với quy định trên, các chuyên gia đánh giá, có hai điểm đáng lưu ý: một là, có nên “tái sinh” lãi suất cơ bản sau nhiều năm bị “bỏ quên”? và hai là, việc nâng giới hạn lên 200% có bao quát được thực tế hay không?
Xung quanh vấn đề lãi suất cơ bản hiện có hai luồng ý kiến trái chiều. Hướng thứ nhất đồng tình với quy định mới trong dự thảo luật, loạt ý kiến thứ hai đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong BLDS, không sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu.
Dự thảo BLDS (sửa đổi) cũng có một số vấn đề mới: Những quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; về quyền nhân thân; về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu hóa; về hình thức sở hữu; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; về thời hiệu. |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Luật Hà Nội cho biết, việc quy định dựa trên lãi suất cơ bản do NHNN công bố nhằm tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, đưa ra mức chuẩn cụ thể nhằm ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi. Theo ông Tuấn, việc NHNN thay mặt Chính phủ công bố lãi suất cơ bản là phù hợp vì đây là tổ chức có chuyên môn sâu rộng, đồng thời điều này cũng đã được quy định rõ trong Luật NHNN Việt Nam. “Bên cạnh đó, xác định một mức lãi suất trần cụ thể trong BLDS chỉ thích hợp với nền kinh tế ổn định chứ không phù hợp với tình hình phát triển năng động như Việt Nam. Nếu cứ áp dụng mức lãi suất cố định sẽ gây ra ách tắc”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, GS Lê Hồng Hạnh, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) lại cho rằng, không thể đánh đồng lãi suất tín dụng của ngân hàng và lãi suất vay của người dân bởi một bên là kinh doanh tiền tệ còn một bên là hợp đồng dân sự. Chính vì thế, xác định mức lãi suất trần trong BLDS là cần thiết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Duyên, Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh, việc quy định cụ thể mức lãi suất trong BLDS sẽ đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, các bên tham gia có thể áp dụng ngay, đồng thời họ cũng biết được hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Lãi suất này không được chia thành các mức khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau nên các bên khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không. Do đó, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự trên thực tế.
Bình luận về đề xuất nâng giới hạn lãi suất cho vay từ không vượt quá 150% lên mức không quá 200% lãi suất cơ bản của NHNN, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đồng thời là người từng phụ trách bộ phận pháp lý của một số ngân hàng cho rằng, từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay cao nhất cũng không được vượt quá 18%/năm (bằng với mức lãi chậm nộp thuế theo Luật Quản lý thuế), trong khi trên thực tế, giao dịch vay tiền của các tổ chức kinh tế và cá nhân với nhau cao hơn mức này rất nhiều vẫn là hoàn toàn bình thường và rất hợp lý. Cụ thể, lãi suất tín chấp của các ngân hàng, công ty tài chính có thể lên tới 50%/năm, nghĩa là gấp 550% so với lãi suất cơ bản hiện hành. Do đó, ông Đức cho rằng, dù có đề xuất nâng giới hạn lên 200% vẫn chưa bao quát hết thực tế.
Dự thảo BLDS (sửa đổi) có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Dự thảo được xây dựng nhằm xây dựng Bộ luật trở thành Hiến pháp của hệ thống luật tư; là công cụ pháp lý hữu hiệu để người dân bảo vệ các quyền pháp lý của mình. Đồng thời, BLDS phải là bộ luật của nền kinh tế thị trường với việc hoàn thiện quy định về hợp đồng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các quy định về quyền tài sản và sở hữu. |
Thu Phương