Tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã tập trung nguồn lực đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với ngành chủ lực của vùng là nuôi trồng, sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và rau quả.

Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tại hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL) trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL – MDEC Hậu Giang 2016.

Quang cảnh hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu là doanh nghiệp, nông dân các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã ghi nhận việc xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng cường liên kết chuỗi giá trị gia tăng và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân, các doanh nghiệp đầu tư, tạo tiền đề cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành từ trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó vai trò của tín dụng ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng.


Bởi trong những năm qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trong cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, phát huy các thế mạnh vốn có của vùng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại tại vùng ĐBSCL đã có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ, phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ.

Mô hình trồng rau màu sạch, an toàn tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Theo NHNN, huy động vốn của toàn vùng luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Tính đến ngày 30/6/2016, huy động vốn cả vùng đạt trên 350.000 tỷ đồng, tăng 9,93% so với tháng 12/2015. Tín dụng cho khu vực cũng tăng trưởng đều qua các năm, dư nợ vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến hết tháng 6/2016 ước đạt hơn 397.000 tỷ đồng, tăng 3,39% so với tháng 12/2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.


Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tại khu vực ĐBSCL tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm 22% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Một số sản phẩm chủ lực của vùng được đầu tư thỏa đáng, tín dụng lúa gạo tăng 10,5%, thủy sản tăng 4,31% so với tháng 12/2015.

Ký kết giữa ngân hàng HDbank và Vinafood 2 triển khai phương án liên kết cánh đồng lớn ĐBSCL 2015. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân vùng ĐBSCL. Đến nay, hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại NH CSXH với dư nợ đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 2,87% so với tháng 12/2015, chiếm trên 17,6% tổng dư nợ cho vay toàn quốc.


“Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội cho con em đi học, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực”, ông Tú cho biết.


Tại hội thảo, nhiều đại diện từ các ngân hàng thương mại cũng thẳng thắn trao đổi để thúc đẩy hoạt động tín dụng ngân hàng tốt hơn nữa bởi thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.


Theo ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Việt Nam, đó là một trong những giải pháp trọng tâm. Theo đó, thời gian qua Agribank đã ưu tiên vốn tín dụng cho các dự án đầu tư theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp như: chuỗi liên kết giá trị chăn nuôi, cây trồng gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu theo quy trình khép kín; ưu đãi về lãi suất; đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; cấp tín dụng một phần không có bảo đảm bằng tài sản trên cơ sở xác định được dòng tiền của phương án, dự án...

Cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa ổn định sản xuất và việc làm cho nhiều lao động địa phương từ nguồn vốn vay Agribank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, để thúc đẩy được giải pháp này, ông Thành cũng kiến nghị, các tỉnh thành vùng ĐBSCL tăng cường triển khai công tác quy hoạch theo đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã được Chính phủ phê duyệt, từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với sản xuất, tránh tình trạng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán đã diễn ra trước đây; tạo điều kiện để nông dân, các hợp tác xã và tổ hợp tác cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch theo đúng lộ trình đề ra. 


Bên cạnh đó, các tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo và nâng cao vai trò hoạt động đối với các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; tích cực chỉ đạo và phối hợp với ngân hàng mở rộng, nhân rộng các mô hình thành công trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký thế chấp, công chứng hợp đồng bảo đảm tiền vay, đăng ký giao dịch bảo đảm, xác nhận nhân khẩu, đăng ký dự án, phương án đủ điều kiện được hỗ trợ theo yêu cầu...


Bài và ảnh: Anh Đức
Vay WB 560 triệu USD phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Vay WB 560 triệu USD phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 11/7, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ký Hiệp định cho các khoản vay và tín dụng trị giá 560 triệu USD hỗ trợ hai dự án nhằm hỗ trợ phát triển đô thị và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN