Đồng bằng sông Cửu Long - hội nhập để phát triển

Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016 (MDEC), với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” , do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 11 - 15/7/2016, tại tỉnh Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đang rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị để có thể tổ chức tốt nhất sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.

Trước thềm diễn đàn, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

Ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

Thưa ông, ông có thể giới thiệu tóm tắt về các hoạt động nổi bật của Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016?


Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016, được tổ chức tại thành phố Vị Thanh, gồm có 14 hoạt động nổi bật, trong đó 7 hoạt động chính do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, 7 hoạt động còn lại do tỉnh tổ chức kết hợp.


Cụ thể, Diễn đàn gồm các hoạt động: Lễ khai mạc MDEC - Hậu Giang 2016 ngày 11/7, Hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” ngày 12/7, Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL ngày 12/7, Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016 ngày 13/7, Hội thảo “Các biện pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL” ngày 13/7, Hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị” ngày 14/7, Hội nghị Ban Chỉ đạo và bế mạc MDEC - Hậu Giang 2016 ngày 15/7, Hội chợ Công thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11-15/7.


Bên cạnh đó là các hoạt động: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Hội nghị liên kết phát triển du lịch ĐBSCL, Hội chợ Công thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Hội nghị sơ kết công tác bình ổn thị trường 06 tháng đầu năm 2016 giữa các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, Hội thảo “Các biện pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL, Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Hậu Giang, Khởi công, khánh thành một số công trình trên địa bàn hưởng ứng MDEC - Hậu Giang 2016, Giới thiệu, quảng bá các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương.


Thưa ông, tỉnh Hậu Giang đã và đang làm gì để tổ chức tốt nhất Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016?


Khi được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giao nhiệm vụ tổ chức MDEC - Hậu Giang 2016, chúng tôi đắn đo về việc công tác chuẩn bị sao cho tốt nhất, trong điều kiện còn khá nhiều khó khăn, trong khi MDEC - Hậu Giang 2016yêu cầu rấtcao. Chúng tôi nhận thức rằng Diễn đàn MDEC 2016 lần thứ 9 sẽ là một cơ hội đẩy mạnh những lợi thế về du lịch, tiềm năng kinh tế nông nghiệp, các cơ chế chính sách đặc thù, vùng đất và con người Hậu Giang... để bè bạn gần xa trong nước và quốc tế có thông tin và hình ảnh để hiểu sâu sắc hơn về Hậu Giang, về ĐBSCL, từ đó thu hút các nhà đầu tư đến Hậu Giang ngày càng nhiều hơn.


Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, hiệu quả của việc tổ chức MDEC 2016?


Tại MDEC- Hậu Giang 2016, theo dự kiến, chúng tôi mong có khoảng  300-400 gian hàng, nhưng đến nay đã có tới 1.000 gian hàng đăng ký tham gia. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp dành cho Hậu Giang là rất lớn. Thông qua chương trình “Nghĩa tình Hậu Giang” chúng tôi muốn được tôn vinh các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và bè bạn gần xa đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội của Hậu Giang.

Họp báo giới thiệu Diễn đàn.

Về thúc đẩy kinh tế, trong 14 sự kiện diễn ra lần này, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới 3 nội dung: Hội nghị “ĐBSCL -chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, hội thảo "Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị" và diễn đàn "Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long 2016" - đã nói lên được tâm huyết và mong muốn cũng như kỳ vọng của nhân dân vùng ĐBSCL là không chỉ phát triển ,mà phát triển bền vững. Hậu Giang đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp đối với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ rất lớn,chủ đề đặt ra rất lớn, Hậu Giang phải hành động thậtchặt chẽ, quy chuẩn.


Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, cộng đồng kinh tế ASEAN cùng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do,... thì qua Diễn đàn MDEC - Hậu Giang 2016 này, chúng tôi xác định cụ thể là hội nhập chỗ nào, hội nhập ở đâu, hội nhập vì cái gì;  chứ không chỉhô hào hội nhập trong khi hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều , xuất khẩu ì ạch, cá da trơn bị thoái giá... đây là một bài toán khó nhưng chúng tôi quyết tâm tìm ra cách giải quyết.


Một hoạt động hết sức thời cuộc là tìm ra giải pháp kiểm soát nước mặn và dự trữ nước ngọt phục vụ trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân vùng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng.Quá khứ những nhà thiên văn nói ĐBSCL là một vùng "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", nhưng vừa qua ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc xâm nhập mặn, hạn hán kỷ lụctừ trước đến nay chưa bao giờ có. Để tìm ra nguyên nhân và khắc phục hiệu quả vấn đề này, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ về mặt nội dung, để làm sao thông qua Hội thảo, Hậu Giang có thể đưa ra những ý kiến đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình dự trữ nguồn nước ngọt với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN.


Những nội dùng của MDEC sẽ định hướng ra sao để có thể đón đầu việc gia nhập TPP thưa ông?


Chúng tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho chính mình như vậy. Chúng ta đều biết, hiện nay thị trường bán lẻ đang bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài chi phối và cạnh tranh thị phần gay gắt. Hiện tại hàng hóa, nông sản lúa gạo của chúng ta chưa có đầu ra , trong khi hàng ngoại nhập thì tràn ngập thị trường. Sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ sản phẩm của chúng ta chưa đủ mạnh. Nếu làm chưa tốt việc này, chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn.


Có một chuyên gia Nhật Bản đã nói với chúng tôi rằng: “Lúa gạo của các anh nhiều quá, nhưng chỉ có xuất khẩu không thôi thì hiệu quả kinh tế không cao! Trong khi từ lúa gạocủa các anh,người Nhật chúng tôi có thể làm ra được 30 loại sản phẩm khác nhau". Đây là một bài học cạnh tranh mà chúng tôi đang nghiên cứu và học hỏi các phương pháp kinh doanh.


Việc ứng dụng khoa học, công nghệ, việc đầu tư từ sản xuất đầu vào đến đầu ra thì hàng hóa phải mang tính cạnh tranh. Vì vậy,chúng ta phải chủ động, tính toán như thế nào để từ hạt lúa có thể làm ra nhiều mặt hàng khác nữa., có giá trị cao hơn.


Hiện nay  Đồng Tháp triển khai “chuỗi giá trị” có hiệu quả cho người nuôi cá da trơn và cá tra , đây cũng là một chiến lược và bứt phá...Tuy nhiên, hội nhập vẫn phải giữ gìn văn hóa đặc trưng của Việt Nam, hòa nhập nhưng không hòa tan. Chính điều này cũng là điều chúng tôi cần lưu ý và chuẩn bị chu đáo.


Một vấn đề đặt ra nữa, chúng tôi đang quan tâm là vấn đề liên kết vùng. Chính liên kết này Hậu Giang có thể tách để đưa chuỗi giá trị vào từng mặt hàng cụ thể là một việc làm không hề đơn giản. Nếu từng tỉnh chỉ liên kết một cách chung chung thì vẫn không hiệu quả, mà sự liên kết này Nhà nước cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL. Đây là chiến lược rất quan trọng về mặt cấp quốc gia, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ thì địa phương mới triển khai chứ không phải nay liên kết chỗ này mai liên kết chỗ kia, vì đó chỉ là hợp tác làm ăn thôi. Đây là một bài toán không dễ, phải có những nhà chiến lược ở tầm vĩ mô thì mới giải được bài toán này. Có như vậy Việt Nam mới giải quyết được căn cơ của nền nông nghiệp quốc doanh.


Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Bảo (thực hiện)
Hợp tác phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long
Hợp tác phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

Với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” MDEC nhằm tăng cường hợp tác đầu tư với các địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho ĐBSCL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN