Mặc dù là địa phương nằm ở cực Bắc Tây Nguyên và luôn được xem là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, nhưng tỉnh Kon Tum luôn tận dụng mọi nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức.
Cử tuyển còn hạn chế
Bà Lê Thị Kim Đơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng: “Công tác cử tuyển hiện còn một số bất cập: việc cử tuyển theo ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu sử dụng chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều sinh viên tốt nghiệp về địa phương không được bố trí công việc... Bên cạnh đó, quy mô đào tạo nghề còn nhỏ, hạn chế về ngành nghề, chất lượng đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Mạng lưới dạy nghề phân bổ chưa đồng đều, chưa bao phủ hết các huyện trên địa bàn tỉnh”.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số. |
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, nguồn lực đầu tư cho các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trên địa bàn chưa tương xứng với nhu cầu đào tạo nhân lực trong giai đoạn mới, đào tạo chưa gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động. Một số ngành nghề có nhu cầu cao nhưng chưa được chú trọng đào tạo như: Cơ điện tử, công nghệ sau thu hoạch, quản lý hành chính, thương mại, văn hóa du lịch...
Trong một báo cáo của ngành nội vụ Kon Tum, hiện nay, tổng số trí thức người dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh Kon Tum đang chiếm tỉ lệ khá thấp, dưới 20%, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Nhà nước, tương đương (65,7%), trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiếm tỉ lệ cao nhất, kế đến là khối các cơ quan nhà nước, lĩnh vực y tế, văn hóa - thông tin... Trong khi đó, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 3.500 sinh viên đang theo học tại các trường đại học trong cả nước, trong đó người DTTS chỉ chiếm khoảng 19%. Như vậy, đội ngũ tri thức người DTTS có tỷ lệ chưa tương xứng với một tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 53% tổng số dân toàn tỉnh.
Tận dụng mọi nguồn lực
Ban thường vụ Tỉnh ủy KonTum đã ra quyết định 446 về việc ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006 - 2010 và tính đến năm 2015, mở ra nhiều triển vọng để Kon Tum có nguồn nhân lực dồi dào. Đề án được xem là hướng mở để Kon Tum phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thực hiện đề án, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã tổ chức nhiều lớp học tập, quán triệt đến hàng nghìn cán bộ, công chức và nhân dân. Qua học tập, các cấp, các ngành và nhân dân đều thấy rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của sự phát triển nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xác định con người là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển; muốn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, cần phải có một nguồn nhân lực đủ mạnh và cơ cấu hợp lý. Các huyện ủy, thành ủy đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở để triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất: “Tỉnh Kon Tum cần thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các tầng lớp xã hội về vai trò và tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt khai thác vai trò của già làng, trưởng bản để nâng cao nhận thức của lao động dân tộc thiểu số về các chính sách hỗ trợ, đào tạo, dạy nghề của nhà nước”.
Giải pháp về giáo dục đào tạo cần gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; quy hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Tỉnh Kon Tum cũng cần tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các cơ sở đào tạo nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp; đa dạng hóa, mở rộng ngành nghề đào tạo và liên thông trong đào tạo... Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực là DTTS chất lượng cao và mang tính bền vững, tỉnh Kon Tum cần quan tâm đến đời sống của người dân chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống cho đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có ban hành cơ chế chính sách ưu đãi cho các đối tượng học sinh là người DTTS vùng đặc biệt khó khăn thi đỗ thẳng vào các trường đại học công lập trong cả nước; phát hiện và lựa chọn trong đội ngũ trí thức, các học sinh, sinh viên tài năng là người DTTS đưa đi đào tạo ở trong và ngoài nước để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc và vùng DTTS.
Bài và ảnh: Sỹ Thắng