SOM ASEAN+3 và SOM EAS thống nhất chương trình nghị sự

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các hội nghị liên quan, ngày 3/8, Hội nghị các quan chức cấp cao của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (ASEAN +3) và Hội nghị các quan chức cấp cao của ASEAN với các nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ (SOM EAS) đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Đây cũng là những hội nghị trù bị để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 16 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS FMM), sẽ diễn ra vào ngày 6/8.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: Kim Dung - Phóng viên TTXVN tại Malaysia


Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tham dự các hội nghị có các quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác của ASEAN. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.

Tại Hội nghị SOM ASEAN+3, các quan chức cấp cao của ASEAN+3 đã rà soát lại kết quả thực hiện Kế hoạch công tác sửa đổi ASEAN+3 giai đoạn 2013-2017, đồng thời xem xét lại báo cáo của Nhóm Tầm nhìn Đông Á 2 (EAVG - II) để đưa ra những định hướng hoạt động hợp tác của ASEAN + 3 trong thời gian tới. 

Các quan chức cấp cao của ASEAN cũng thảo luận đệ trình các bộ trưởng kết quả thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN + 3, trong đó chú trọng đến hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ. 

Hiện ASEAN+3 đang đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), nhằm tạo ra một thị trường thương mại tự do rộng lớn, thu hút trao đổi thương mại, đồng thời ASEAN+3 cũng thúc đẩy Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á nhằm thực hiện mục tiêu của sáng kiến này là tận dụng tốt hơn nguồn vốn để đầu tư cho khu vực.

Tại Hội nghị SOM EAS, các nước kiểm điểm những kết quả trong hợp tác Đông Á nhằm hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập cơ chế cấp cao Đông Á, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của EAS (gồm tài chính, năng lượng, giáo dục, thiên tai, bệnh dịch) và định hướng hợp tác thời gian tới. 

Các đại biểu đều đánh giá rằng EAS tiếp tục là diễn đàn nhằm thảo luận các vấn đề chiến lược quan trọng, cả về chính trị, an ninh, cũng như hợp tác phát triển; theo đó, EAS sẽ là thành tố quan trọng trong cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực.

Các quan chức cấp cao ASEAN và các nước đối tác đã trao đổi và thống nhất chương trình nghị sự, công tác lễ tân và hậu cần, cũng như nội dung các dự thảo văn kiện trình các bộ trưởng thông qua tại các hội nghị sắp tới. 

Các quan chức cấp cao ASEAN và các nước đối tác cũng đã sơ bộ trao đổi về những nội dung dự kiến sẽ được các bộ trưởng thảo luận trong những ngày tới, đề xuất một số kiến nghị về những nội dung quan trọng để các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước đối tác xem xét và quyết định. 

Theo đó, nổi lên một số nội dung trọng tâm như: Các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là việc thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị, An ninh ASEAN trong bối cảnh thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, cải tiến, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc khu vực, trong đó có các biện pháp triển khai hiệu quả các cam kết mà ASEAN đã thỏa thuận với các đối tác; Trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ); thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)….

Các quan chức cấp cao ASEAN và các nước đối tác cũng kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các nước ASEAN với các đối tác và trao đổi, xác định phương hướng hợp tác thời gian tới tại các Hội nghị PMC, ASEAN+3, EAS và ARF, đồng thời trao đổi về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác vào tháng 11/2015.

Về văn kiện của các hội nghị, dự kiến các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ ra Thông cáo chung Hội nghị AMM 48; Chủ tịch Malaysia sẽ ra các Tuyên bố Chủ tịch về các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác và Tuyên bố Chủ tịch ARF.

Cũng trong ngày 3/8, trong khuôn khổ Hội nghị AMM 48 và các hội nghị liên quan, tại Kuala Lumpur đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao Mê Kông-Nhật Bản và Hội nghị của Ủy ban SEANWFZ và một số hội nghị liên quan khác.

Tại Hội nghị các quan chức cấp cao Mê Kông-Nhật Bản, hai bên đã thảo luận những nội dung chương trình nghị sự sẽ đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Mê Kông-Nhật Bản lần thứ 8, theo đó, sẽ rà soát các kết quả thực hiện Chiến lược Tokyo giai đoạn 2013-2015 và các kế hoạch hợp tác giai đoạn 2016-2018. 

Tại Hội nghị SEANWFZ, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đề cao giá trị của SEANWFZ là một trong các công cụ quan trọng của ASEAN đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phi vũ khí hạt nhân ở khu vực; nhấn mạnh cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động tăng cường SEANWFZ 2014-2015.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã tham gia và đóng góp tích cực cho các nội dung thảo luận tại các Hội nghị. Ngày 4/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 sẽ chính thức khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur.

TTXVN/Tin tức
Khai mạc Hội nghị SOM ASEAN+3 và SOM Đông Á
Khai mạc Hội nghị SOM ASEAN+3 và SOM Đông Á

Các quan chức cao cấp ASEAN cùng 3 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sáng 3/8 đã nhóm họp để thảo luận trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN