Mặc dù việc niêm yết hàng hóa, dịch vụ… bằng ngoại tệ đã bị nghiêm cấm cách đây gần 3 năm nhưng đến nay tình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở những lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp, công ty bị phát hiện và xử phạt lại khá khiêm tốn.
Giao dịch bằng ngoại tệ vẫn phổ biến
Tại đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Nguyễn Huệ (quận 1- TP Hồ Chí Minh)… được coi là khu vực phố Tây do chuyên tập trung đông đúc người nước ngoài lưu trú. Do đó, nơi này thường xuyên diễn ra tình trạng nhận thanh toán bằng ngoại tệ.
Tình trạng niêm yết giá bằng ngoại tệ diễn ra công khai. Ảnh: CTV |
Theo chân những du khách nước ngoài, chúng tôi ghé vào một công ty chuyên tổ chức các tour du lịch trên đường Phạm Ngũ Lão để đặt tour đi Hạ Long trong 2 ngày. Khi thấy chúng tôi đi cùng những người nước ngoài, nhân viên công ty này liền báo giá cho chúng tôi bằng ngoại tệ với giá một tour đi Hạ Long 2 ngày khoảng 130 USD, nếu muốn thanh toán bằng VND (tỷ giá quy đổi 2.070.000 đồng/USD), giá tour tương đương 2.691.000 đồng. Mặc dù, trong bảng báo giá của công ty, tất cả các tour du lịch trong và ngoài nước đều được niêm yết bằng VND.
Tương tự, tại khu mua sắm Thương xá Tax (đường Nguyễn Huệ, quận 1), ở đây hàng hóa vẫn niêm yết bằng VND nhưng vẫn nhận thanh toán bằng ngoại tệ. Ghé vào cửa hàng chuyên kinh doanh máy ảnh tên T.L, hỏi chiếc máy ảnh cao cấp Canon PowerShot SX50 HS giá bao nhiêu thì cửa hàng này báo giá khoảng 13.980.000 đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn thanh toán bằng ngoại tệ thì chủ cửa hàng cũng đồng ý thanh toán với giá gần 700 USD.
Mặt khác, tình trạng niêm yết giá bằng ngoại tệ, nhận thanh toán bằng ngoại tệ còn diễn ra khá công khai trên các trang web của những khách sạn, resort ở những trung tâm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc... Ví dụ trên trang web: vietnamphuquoc.com giá phòng tại các resort tại Phú Quốc được niêm yết giá bằng USD với giá dao động từ 72 - 166 USD/phòng.
Theo thống kê của NHNN tại TP.HCM, từ đầu năm 2013 đến nay, tại TP.HCM có khoảng 11 trường hợp niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ bị NHNN và cơ quan quản lý thị trường phát hiện và xử phạt. Đa số, các trường hợp bị xử phạt đều rơi vào những cửa hàng mua bán mỹ phẩm, ăn uống, giày dép, cho thuê văn phòng... |
Theo khảo sát của phóng viên Tin Tức tại Hà Nội, không khó để tìm thấy tình trạng một số nơi niêm yết giá dịch vụ bằng USD công khai. Đây là các phố tập trung nhiều văn phòng bán vé máy bay, giới thiệu các thông tin du lịch trong nước và kể cả các dịch vụ phục vụ du khách quốc tế đến Hà Nội. Dọc theo các phố như Mã Mây, Ngõ Huyện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Hành… các biển niêm yết giá dịch vụ được trưng bày công khai. Tại phố Ngõ Huyện có những tấm biển rất to niêm yết một cách công khai giá phòng, giá tour du lịch… bằng đồng USD. Để du khách tiện nắm được giá, các bảng này được treo cố định ngay phía ngoài văn phòng du lịch.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp, cửa hàng đưa ra khi nhận thanh toán bằng ngoại tệ, hoặc niêm yết giá bằng ngoại tệ chủ yếu là do việc mua USD rất khó khăn, một số trường hợp phải trả giá đắt hơn, vì thế các doanh nghiệp này mới phải niêm yết giá bán bằng USD để bảo toàn vốn. Mặt khác, nếu niêm yết giá bằng VND sẽ phải điều chỉnh giá liên tục, ảnh hưởng đến kinh doanh. Bởi thông thường, giá của VND biến động nhiều hơn giá USD. Vì vậy, niêm yết giá bằng USD sẽ không phải liên tục điều chỉnh giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Mai Xuân Hồng, đại diện Công ty Du lịch Hợp Nhất cho rằng: Thực tế một số nơi nhân viên thông báo giá dịch vụ bằng USD nhưng chủ yếu là thông báo miệng. “Việc công khai giá USD diễn ra hiện nay là giúp khách hàng nước ngoài thuận tiện mua sắm. Còn nếu doanh nghiệp (DN), cửa hàng nào bắt buộc khách hàng phải trả dịch vụ bằng tiền USD thì mới vi phạm pháp luật”, ông Hồng nói.
Việc xử lý còn lỏng lẻo
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, trên lãnh thổ Việt Nam mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo đều không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các tổ chức tín dụng, hải quan, sân bay. Trường hợp đặc biệt phải giải trình được việc niêm yết giá ngoại tệ là hợp lý và đích thân Thống đốc NHNN sẽ xem xét cho phép nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được niêm yết giá theo cơ chế đặc biệt này. Tuy nhiên, để “lách luật” và tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ vẫn nhận thanh toán hoặc niêm yết giá bằng ngoại tệ song song với niêm yết giá bằng VND. Tất cả những hành vi trên đều được coi là vi phạm, một khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt nặng từ 300 - 500 triệu đồng/vụ.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2013 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 11 trường hợp niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ bị NHNN và cơ quan quản lý thị trường phát hiện và xử phạt. Đa số, các trường hợp bị xử phạt đều rơi vào những cửa hàng mua bán mỹ phẩm, ăn uống, giày dép, cho thuê văn phòng...
Một đại diện của chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, việc phát hiện xử lý những DN vi phạm khi thanh toán, niêm yết bằng USD rất khó khăn. Bởi trên địa bàn có hàng ngàn DN kinh doanh, dịch vụ ăn uống, du lịch, mỹ phẩm… Mặt khác, từ khi có lệnh cấm niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ, đa số các DN kinh doanh trên địa bàn đều chấp hành nghiêm chỉnh về việc chuyển sang niêm yết bằng VND. Tuy nhiên, trường hợp thanh toán bằng USD thì khó kiểm soát hơn vì dựa trên thỏa thuận giữa người mua và người bán cho nên các cơ quan chức năng cũng khó phát hiện, bắt quả tang…
Tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trên, theo ông Minh, sắp tới NHNN sẽ lên kế hoạch tăng cường công tác phối hợp hành động với các cơ quan liên quan như công an, quản lý thị trường để cùng ra quân xử lý, chấn chỉnh lại tình trạng trên.
Được biết, NHNN đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối. Trong Dự thảo, một nội dung quan trọng đáng chú ý là trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác không được thực hiện bằng ngoại hối. Dự thảo này cũng quy định không được quy đổi giá hàng hóa, dịch vụ bằng VND ra ngoại hối tương đương hoặc quy định điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ theo tỷ giá hối đoái giữa VND và các loại ngoại tệ hoặc dưới các hình thức bảo đảm giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại hối khác. Dự kiến quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Hoàng Tuyết- M.P