Nhiều doanh nghiệp niêm yết báo cáo lỗ

Kết thúc quý 3, nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán công bố trong báo cáo tài chính là lỗ nặng do tình hình kinh doanh tiếp tục khó khăn. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn không có dấu hiệu giảm và theo dự báo của nhiều chuyên gia, từ nay đến cuối năm lãi suất khó có thể giảm.

 

Đua nhau báo cáo lỗ


Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến tình trạng lỗ không phải chuyện lạ. Chính vì vậy, thông tin 113/580 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 3/2012 với tổng mức lỗ lên đến gần 2.000 tỷ đồng không khiến các nhà đầu tư (NĐT) ngạc nhiên như trước đây. Trong đó, 10 doanh nghiệp lỗ nhiều nhất đã chiếm xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.


 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Đáng chú ý, ngành ngân hàng trước đây được xem là DN có lợi nhuận nhiều nhất với lãi cả ngàn tỷ đồng mỗi quý, thì nay lộ rõ những khó khăn khi lần đầu tiên một ngân hàng lớn như ACB lại báo lỗ đến 520 tỷ đồng trong quý 3, chủ yếu do khoản lỗ 1.144 tỷ đồng từ kinh doanh vàng.


Tương tự, Phó Giám đốc Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam, một DN luôn có lợi nhuận đột biến nhưng bất ngờ báo lỗ 226 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ hầu hết mọi người đều biết là do công ty mẹ -Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tăng giá bán khí đầu vào. Hay công ty cổ phần thép Pomina (POM), DN có thị phần tiêu thụ hàng đầu Việt Nam cũng bất ngờ báo lỗ 46 tỷ đồng trong quý 3 và 28 tỷ đồng sau hợp nhất. Báo cáo tài chính cho thấy, đây là lần đầu tiên công ty gánh lỗ kể từ khi thành lập năm 2008. NKG - một DN khác trong ngành thép cũng thông báo lỗ ròng 55,65 tỷ đồng trong quý 3/2012. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty tiếp tục lỗ gần 53 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu vẫn do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính cao.


Song song với những DN bất ngờ lỗ, thì những DN “sức khỏe” yếu từ các năm trước, nay càng yếu hơn. Theo số liệu VNDIRECT thống kê, đến nay đã có gần một nửa trong số 68 DN ngành bất động sản (BĐS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, trong đó có nhiều công ty địa ốc lỗ hoặc giảm lãi nghiêm trọng. Dẫn đầu nhóm DN lỗ quý 3 là Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An (KAC) với lợi nhuận sau thuế âm 24,1 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ) là DN hiện có mức lỗ thấp nhất danh sách, âm 877 triệu đồng lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, đơn vị này cũng lỗ sau thuế tới 6,3 tỷ đồng.


Bên cạnh các DN BĐS, thì các công ty chứng khoán (CTCK) cũng bị thua lỗ trầm trọng. Theo thống kê, có 56/100 CTCK báo lỗ với tổng lợi nhuận âm 212 tỷ đồng. Trong số các CTCK lỗ nặng nhất quý 3/2012, đa phần là các CTCK đã đẩy mạnh tự doanh trong quý 3/2012 và phải trích lập dự phòng lớn như chứng khoán Kim Long lỗ 91,5 tỷ đồng, CK Xuân Thành lỗ 78 tỷ đồng, CK SHS lỗ 59 tỷ đồng.

 

Sẽ tiếp tục khó khăn


Điều đáng nói, phần lớn những DN đang làm ăn thua lỗ đều đang vướng nợ ngân hàng. Thế nhưng, theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay vẫn khó giảm.


Thực tế, mấy ngày vừa qua, đầu vào lãi suất đã có dấu hiệu hạ nhiệt và giảm dần, tuy nhiên đầu ra thì vẫn giậm chân tại chỗ. Một số ý kiến cho rằng, hiện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vì vàng, tín dụng không tăng trưởng, cộng thêm trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu gia tăng nên dù lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu giảm theo.


Trước tình hình trên, NHNN đã yêu cầu các NHTM từ nay đến cuối năm áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, không được thu các loại phí ngoài quy định. NHNN cũng yêu cầu các NHTM không được lợi dụng các quy định về cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu.


Tuy nhiên, dù lãi suất có giảm, thì nguy cơ phá sản của nhiều DN cũng đến rất gần. Bởi theo thống kê báo cáo tài chính của các DN cho thấy, đa số tài sản của các công ty lỗ lớn hiện nay đều đang thuộc diện bị thế chấp. Cụ thể, SBS - (Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín), có tổng nợ lớn hơn cả tổng tài sản, theo đó nguồn vốn chủ sở hữu của SBS đến hết quý 3 âm 247 tỷ đồng. Các công ty khác như NKG, VST, PSG, LAF, VOS, SHN… có một đặc điểm chung về cơ cấu nguồn vốn là có nợ ngắn hạn lớn hơn cả tài sản ngắn hạn. Đây là cơ cấu vốn rất rủi ro cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp này thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt các tài sản có tính thanh khoản cao để phục vụ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn đồng nghĩa với việc một phần nợ ngắn hạn được tài trợ mua sắm các tài sản dài hạn. Đây chính là rủi ro tiềm tàng dẫn đến phá sản ở DN.


Chính vì vậy, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự báo ước tính từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp sẽ “rút” khỏi thị trường. Bởi theo báo cáo thì tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong quý 3/2012 khó khăn hơn nhiều so với quý 2/2012. Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 4/2012 tới đây tiếp tục khó khăn hơn so với quý 3/2012. Tuy nhiên, mức độ khó khăn của quý 4 so với quý 3 ít hơn.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN