Theo đó, Quảng Ninh sẽ huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiện Quảng Ninh còn 22 xã và 11 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng vốn dự kiến cần đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là hơn 1.653 tỷ đồng, tập trung chủ yếu gồm đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ vệ sinh môi trường…
Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn. |
Những năm tới, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng (gấp 4 lần so với hiện nay) cho mỗi xã đặc biệt khó khăn để xây dựng các công trình thuộc Chương trình 135. Trong đó, Quảng Ninh tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu phục vụ trực tiếp cho sản xuất, nhằm nâng cao đời sống của người dân.
Tháng 1/2016, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã có thư kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia ủng hộ các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, đã có 72 địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký ủng hộ.
Theo ông Lãnh Thế Vinh, điều quan trọng nhất trong việc đưa các xã, thôn khỏi diện đặc biệt khó khăn là đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân để chống lại tư tưởng ỷ lại.
Hiện số hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới ở 22 xã đặc biệt khó khăn này còn hơn 9.800 hộ, chiếm 63,57% tổng số hộ dân của 22 xã này. Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội, về hưởng thụ các dịch vụ cơ bản của nhân dân tại 22 xã này so với khu vực đô thị còn khá lớn; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, trung bình đạt 11,71 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 7,4 lần thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; đời sống một số bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, dân trí thấp.