Những con đường bê tông được nối dài thay dần những con đường lầy lội. Vùng quê nghèo đã khởi sắc nhờ Chương trình 135.
Di cư từ tỉnh Hà Giang về xã Tiến Bộ từ năm 1988, với tập quán cũ, hơn 120 hộ dân tộc Nùng đã chọn khu vực có nhiều đồi núi để sinh sống. Cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn khiến hai thôn Đèo Trám, Ngòi Cái gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Kinh tế chủ yếu là trồng rừng và chăn nuôi trâu manh mún, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Cảnh chạy ăn từng bữa, con cái phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình không còn là chuyện lạ.
Hỗ trợ máy cày giúp đồng bào nơi đây giải phóng sức lao động, phát triển kinh tế. |
Triển khai từ Chương trình 135, 5 năm qua, bà con ở đây đã được Nhà nước hỗ trợ 2,5 tỷ đồng làm đường, xây nhà văn hóa, lớp học và mua máy móc để phát triển sản xuất; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn chăn nuôi trâu, bò đúng kỹ thuật... cho bà con.
Ông Sèn Văn Nam, Trưởng thôn Đèo Trám cho biết: Hai thôn được đầu tư 5 máy cày, 4 máy tuốt lúa đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thôn cũng được đầu tư nhà văn hóa và lớp học mầm non khang trang, người dân giờ đã có nơi để sinh hoạt cộng đồng, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần; 100% các cháu học sinh mầm non được đi học đúng độ tuổi; 100% số hộ trong thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Không chỉ được đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng bào còn được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua con giống phát triển kinh tế. Nhiều gia đình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay đã nhanh chóng thoát nghèo.
Từ sự hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách mà gia đình anh Tráng Văn Đức được vay vốn mua trâu, vươn lên thoát nghèo. |
Hộ ông Tráng Văn Đức, thôn Đèo Trám, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhận thấy địa phương có lợi thế về đồng cỏ, nên ông mua 2 con trâu về nuôi. Sau khi trâu sinh sản, gia đình ông bán đi và tiếp tục mua giống cây trồng, phân bón. Kinh tế ổn định, các con của ông đều được học hành đến nơi đến chốn. Năm 2015, gia đình ông đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Ông Trần Quyết Cường, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ chia sẻ, để phát huy tối đa hiệu quả Chương trình 135, ngay từ đầu, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến về phát triển loại cây gì, con gì cho phù hợp với địa phương. Sau khi nắm bắt được nhu cầu của nhân dân, chính quyền xã mới tổ chức thực hiện. Từ nguồn vốn của chương trình, xã đã cho sửa chữa lại đường giao thông và xây mới 2 phòng học mầm non, nhà văn hóa. Phát huy lợi thế của địa phương về đồi cỏ, xã đã hỗ trợ mua 17 con bò và 9 con trâu để phát triển sản xuất đồng thời mở các lớp tập huấn chăn nuôi trâu bò. Hiện một trong những khó khăn lớn nhất của địa phương là 2 thôn nói trên đều chưa có điện lưới quốc gia.
Nếu năm 2010 thôn Ngòi Cái có đến 65% hộ nghèo, nay chỉ còn 28% hộ nghèo; thôn Đèo Trám giảm từ 53% hộ nghèo giảm xuống còn 17%. Nguồn vốn Chương trình 135 đã và đang tạo nguồn lực quan trọng giúp đồng bào vùng sâu vùng xa Tuyên Quang từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo.