Phấn đấu đưa 30% số xã ra khỏi CT 135

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 (CT 135) các tỉnh phía bắc, nhằm đưa ra một bộ tiêu chí để phân bổ nguồn vốn và tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc thực hiện chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đánh giá của UBDT, việc phân bổ vốn thực hiện CT 135 trong 2 năm 2014 và 2015 vừa qua cho các xã ĐBKK, xã an toàn khu, xã biên giới, các thôn bản ĐBKK, mang tính cào bằng, không công bằng giữa các vùng miền có điều kiện, kinh tế xã hội khác nhau. Nguồn vốn từ Trung ương chưa thực sự tập trung vào nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất. Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ có 7 tiêu chí để xác định việc phân bổ vốn, gồm: Tiêu chí đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; tiêu chí về thôn đặc biệt khó khăn; tiêu chí về dân số (số nhân khẩu); tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo của tỉnh; tiêu chí về số xã thôn hoàn thành mục tiêu; tiêu chí về tỷ lệ giải ngân; tiêu chí về chấp hành chế độ báo cáo.

Hỗ trợ sản xuất bằng máy nông cụ để đồng bào sản xuất.

“Mục tiêu đặt ra là đạt được 30% số xã ra khỏi CT 135 (năm 2030), nhằm không tạo khoảng cách quá xa với các chương trình giảm nghèo khác. Mục tiêu giảm nghèo 4%/năm cũng là vấn đề khá nan giải. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã có ý kiến đề nghị hạn chế trường hợp phân bổ bình quân, trong đó có CT 135. Hiện nay, các địa phương cũng đã rất năng động, chủ động xây dựng tiêu chí phân bổ vốn cho tỉnh, đưa ra tỷ lệ phân chia cho hợp lý, không phải chờ các tiêu chí của Trung ương. Việc đề ra các tiêu chí là để phân bổ nguồn vốn có mức độ khác nhau, nhưng sẽ không quá chênh lệch”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan nói.

Anh Giàng A Thào, Bí thư chi bộ thôn Pá Liềng, xã Phiêng Phằn, huyện Mai Sơn, Sơn La phản ánh: “Là thôn ĐBKK nên Pá Liềng cũng được hưởng lợi nhiều từ CT 135 như được hỗ trợ bò giống, làm nhà văn hóa thôn, làm cầu cống. Tuy nhiên, theo tôi nên để cho dân được tham gia nhiều hơn. Chẳng hạn như công trình đơn giản như cầu cống, người dân chúng tôi đều có thể tự làm được. Người dân làm cho mình sử dụng nên chất lượng còn tốt hơn nhiều. Dân làm dân sẽ có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng”.

Do hạn chế về vốn, nên các công trình 135 thường phải lồng ghép với các chương trình khác.

Ông Vi Đức Bình, Phó trưởng Ban Dân tộc Lạng Sơn đề xuất: “Mục tiêu của CT 135 là giảm nghèo một cách nhanh và bền vững nhất. Những năm qua, hợp phần hỗ trợ sản xuất của chương trình chủ yếu bị khống chế ở hỗ trợ giống, cây trồng ngắn ngày, hoặc hỗ trợ phân bón, vật nuôi. Theo tôi, trong giai đoạn mới, nên bỏ khống chế hợp phần hỗ trợ sản xuất này. Như địa phương tôi, nhiều năm trước đã hỗ trợ cho bà con giống cây lâm nghiệp và kết quả mang lại hiệu quả rất cao. Nhưng đến lúc thanh quyết toán lại gặp rất nhiều khó khăn vì hỗ trợ không đúng mục tiêu. Do vậy, tôi đề xuất là hợp phần này nên để tùy thuộc vào các địa phương, theo nhu cầu muốn được hỗ trợ của người dân”.

Còn ông Lữ Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho rằng nên mạnh dạn phân cấp cho các cấp xã làm chủ đầu tư. “Xã chúng tôi, trước đây cũng có nhiều dự án của các tổ chức nước ngoài được thực hiện theo kiểu phân cấp cho xã làm chủ đầu tư. Cán bộ xã cũng được tập huấn, nâng cao năng lực để làm chủ đầu tư. Những dự án đó hiện nay đều rất thành công và phát huy hiệu quả cao và phù hợp với khung CT 135. Được phân cấp về xã, chúng tôi càng có điều kiện tiếp cận, chắc chắn năng lực thực hiện sẽ càng được nâng cao”, ông Đức đề nghị.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Nhờ Chương trình 135 giảm 30% hộ nghèo
Nhờ Chương trình 135 giảm 30% hộ nghèo

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2011 - 2015), 102 xã và 281 bản đặc biệt khó khăn của tỉnh đã được hỗ trợ hơn 850 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng hưởng lợi của chương trình 135 đã giảm từ 59,3% năm 2011 xuống còn 29,8% năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN