Nông thôn mới dần hiện hữu tại vùng khó

Tỉnh Tuyên Quang có 61 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 245 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực I, khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Nhà nước.

Để tạo nguồn lực cho đồng bào các xã khó khăn có điều kiện vươn lên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là một trong những yếu tố có ý nghĩa then chốt. Thực hiện Chương trình 135, trong giai đoạn III, tỉnh Tuyên Quang đã khởi công xây dựng trên 690 công trình, trong đó có hơn 270 công trình giao thông, 74 công trình thủy lợi, 173 công trình trường học, 137 nhà sinh hoạt cộng đồng, 22 công trình điện, 4 trạm y tế, 10 công trình nước sạch... với tổng kinh phí đầu tư gần 335 tỷ đồng.

Thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên) là một trong những thôn đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm xã hơn 10 km. Trước đây, thôn gần như cách biệt với bên ngoài, bởi đường đi lại khó khăn, cán bộ lên đến bản làm việc phải mất nửa ngày đường. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nối với trung tâm xã, việc đi lại của bà con trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
 

Nguồn vốn 135 giúp nông dân xây dựng hệ thống kênh mương để tăng vụ sản xuất lúa.

Ông Dương Minh Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Cao Đường cho biết: Từ nguồn vốn 135, bà con trong thôn được Nhà nước hỗ trợ nuôi dê, góp phần tăng thu nhập. Đặc biệt, thôn được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi kiên cố. Trước đây, hơn 30 ha đất trồng lúa của bà con luôn trong tình trạng thiếu nước chỉ làm được 1 vụ, giờ đây đã làm được 2 vụ, một số chỗ còn làm được 3 vụ, đời sống người dân nhờ đó đã thay đổi rất nhiều so với trước.
 

Đầu tư xây dựng bể nước để có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Không chỉ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát huy hiệu quả, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, bằng nguồn vốn 135, tỉnh đã xây dựng 27 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ gần 24.000 con gia súc, gia cầm cho hộ nghèo, gần 6.400 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp... Cùng với đó là việc tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn về mô hình xóa đói giảm nghèo và dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số với kinh phí thực hiện trên 66,5 tỷ đồng. Nhiều chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất cũng được tỉnh Tuyên Quang triển khai đã giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Ông Chẩu Xuân Oanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Chương trình 135 đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả đó đã góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý
Tiến bộ khởi sắc nhờ Chương trình 135
Tiến bộ khởi sắc nhờ Chương trình 135

Những năm gần đây đồng bào Nùng ở hai thôn Đèo Trám, Ngòi Cái, thuộc xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) không còn phải vất vả với cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau", mà thay vào đó là máy nông cụ làm đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN