Ngày
12/3, tại cuộc họp ở Vienna (Áo), Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh
và Hợp tác châu Âu (OSCE) quyết định gia hạn cùng lúc cho hai phái bộ
quan sát viên của tổ chức này tại Ukraine.Thông báo
cho biết, Phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) ở miền Đông Ukraine có thể
được tăng gấp đôi, lên 1.000 nhân viên, đồng thời thời hạn hoạt động tại
Ukraine được kéo dài đến ngày 31/3/2016. Hiện tại phái bộ mới chỉ có
500 người, trong đó 350 làm việc tại miền Đông-Nam Ukraine, ngoài trụ sở
chính tại Kiev SMM còn đặt văn phòng tại 10 khu vực khác.
Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Đức Frank -Walter
Steinmeier tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở thủ đô Washington ngày
11/3. Ảnh: AFP-TTXVN |
Đại
diện Nga tại OSCE muốn tổ chức ra một tuyên bố chính thức về quyết định
trên, trong đó ghi nhận thỏa thuận Minsk và kêu gọi ủng hộ phái bộ. Tuy
nhiên, đại diện Mỹ và Ukraine đã phản đối. Sau nhiều tranh cãi căng
thẳng, cuộc họp đã chỉ ra được một quyết định mang tính kỹ thuật về phái
bộ như trên.
OSCE cũng ra quyết định thứ hai về phái bộ quan sát
viên tại biên giới Nga-Ukraine, gia hạn thêm 3 tháng, đến ngày 23/6 và
không tăng số lượng quan sát viên.
Cùng ngày, SMM tại Ukraine
xác nhận việc quân chính phủ và lực lượng dân quân miền Đông đã thực thi
việc rút vũ khí hạng nặng theo điểm 2 trong thỏa thuận Minsk, cũng như
giảm các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Phó trưởng phái bộ
Alexander Hug cho biết các bên xung đột đã không cung cấp cho OSCE thông
tin về số lượng, tuyến đường di chuyển cũng như địa điểm tập kết các vũ
khí hạng nặng sau khi rút.
Một động thái đáng chú ý khác trong
tiến trình thực hiện thỏa thuận Minsk là việc Hội đồng An ninh quốc gia
và Quốc phòng Ukraine ngày 12/3 đã ủng hộ quyết định phân định đường
ranh giới các vùng sẽ được áp dụng quy chế tự quản địa phương. Tuy
nhiên, Hội đồng nhấn mạnh, các vùng này sẽ không bao gồm vùng lãnh thổ
chuyển sang quyền kiểm soát của hai CHND tự xưng sau ngày 19/9/2014,
cũng như không bao gồm tất cả các điểm dân cư dọc đường giới tuyến mà
phía Ukraine kiểm soát.
Trong một diễn biến liên quan, phóng viên
TTXVN tại Berlin đưa tin, trong chuyến thăm Mỹ ngày 12/3, Ngoại trưởng
Đức Frank-Walter Steinmeier đã một lần nữa cảnh báo Washington cần cân
nhắc kỹ lưỡng việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev. Theo ông
Steinmeier, việc Chính phủ Mỹ vừa đề xuất quốc hội nước này hỗ trợ vũ
khí phòng thủ cho Ukraine có thể đẩy cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine
lên một “nấc thang căng thẳng mới“, vượt ra khỏi "tầm kiểm soát".
Trước
đó, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, ngoại trưởng
hai nước đã thống nhất vẫn tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao để xử
lý khủng hoảng Ukraine, đồng thời sử dụng công cụ trừng phạt cần thiết
về chính trị và kinh tế nhằm gây sức ép với Nga.
Vấn đề cung cấp
vũ khí cho Kiev hiện là một trong những chủ đề nóng nhất tại Mỹ và các
nước châu Âu. Ngày 11/3, Mỹ đã thông báo chuyển giao cho quân đội
Ukraine các thiết bị radar và xe bọc thép Humvee, một hành động ngay lập
tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga.
Trong khi đó, Tổng
thống Ukraine Petro Poroshenko xác nhận có các chuyên gia quân sự của
một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đang
huấn luyện binh sĩ quân đội nước này. Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc
gia và Quốc phòng, ông Poroshenko cũng cho biết Kiev sẽ được trang bị
các thiết bị bay chiến thuật không người lái, các trạm liên lạc vô tuyến
và chống hỏa lực.
TTXVN/Tin tức