Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” việc Trung Quốc bay thử nghiệm ở Trường Sa

Nhật Bản bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc Trung Quốc cho một máy bay hạ cánh xuống đường băng ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Đường băng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Airbus Defense

Theo Kyodo, ngày 4/1, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc Trung Quốc cho một máy bay hạ cánh xuống đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói: “Nhật Bản vô cùng quan ngại về hành động của Trung Quốc, đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng” tại khu vực và là âm mưu của Bắc Kinh nhằm biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp thành “sự đã rồi”. Ông nhấn mạnh rằng Nhật Bản “không thể chấp nhận (hành động này) vốn đang làm leo thang căng thẳng (trong khu vực) và là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia hữu quan khác nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trên những vùng biển này”. 

Trước đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, ngày 2/1/2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước việc trên, ngày 2/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phát biểu nêu rõ: “Hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. 

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

TTXVN/Tin Tức ( )
Ngư dân Trung Quốc cày nát san hô Biển Đông
Ngư dân Trung Quốc cày nát san hô Biển Đông

Khi chiếc thuyền đưa phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đến vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, anh không khỏi rùng mình mục sở thị cảnh ngư dân Trung Quốc biến một hệ sinh thái biển đa dạng thành “bãi tha ma” dưới đáy biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN