Kênh truyền hình Al Jazeera ngày 28/2 đưa tin Tổng thống Libi Môamơ
Cađaphi (Muammar Gaddafi) đã bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Tình báo
Đối ngoại của Libi, ông Budây Đôrơđa (Bouzaid Dordah), làm người thương
lượng với lực lượng nổi dậy hiện chiếm giữ khu vực miền Đông nước này. Tuy nhiên, trước đó, người phát ngôn của Hội đồng Dân tộc Libi, vừa được
thành lập và đặt trụ sở ở thành phố miền Đông Bengadi (Benghazi), đã
tuyên bố không đàm phán với ông Cađaphi.
Lực lượng nổi dậy lấy vũ khí từ một căn cứ quân sự ở thành phố Benghazi, miền đông Libi ngày 28/2. Ảnh: AFP - TTXVN |
Trong khi đó, Lầu Năm
góc thông báo đang tái triển khai lực lượng hải quân tại khu vực Địa
Trung Hải, với các tàu chiến và máy bay được điều động đến khu vực gần
Libi. Tính đến ngày 28/2 đã có 8 tàu chiến có mặt tại khu vực hoạt động
của Hạm đội Sáu, khu vực này gồm Địa Trung Hải và một số vùng thuộc Đại
Tây Dương.
Ngoài ra, còn có hai tàu sân bay, trong đó có tàu sân bay USS
Enterprise chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã được triển khai ở vùng
Đông Nam của Biển Đỏ và Biển Arập. Một số nguồn tin nói rằng Hải quân Mỹ
có thể huy động cả tàu đổ bộ USS Kearasarge với một phi đội máy bay lên
thẳng, và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ trên tàu.
Tuy nhiên, bất chấp
việc Nhà Trắng nói rằng "giải pháp quân sự là một lựa chọn đang được xem
xét", giới phân tích nhận định khó có khả năng Mỹ sẽ tiến hành một cuộc
đổ bộ hoặc không kích vì tình hình tại khu vực này rất nhạy cảm.
Trước những diễn biến căng thẳng tại Libi, Liên hợp quốc đã kêu gọi
cộng đồng quốc tế hỗ trợ đẩy nhanh việc sơ tán người người ngoài khỏi
Libi.
TTXVN