Ngày 24/2, bất ổn chính trị ở Libi tiếp tục gia tăng, với những tiếng súng nổ dữ dội vẫn vang lên ở thủ đô Tripôli. Các hãng tin nước ngoài dẫn nguồn tin từ nhóm phóng viên có mặt tại khu vực cho biết, đám đông người biểu tình phản đối chính phủ, phần lớn được trang bị vũ khí, đổ ra chặn tại các tuyến đường cao tốc; trong khi hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Moamer Kadhafi biểu tình hòa bình tại Quảng trường Xanh.
Nhiều nhân chứng mô tả quang cảnh ở Tripôli giống như “khu vực chiến tranh”. Đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình chống chính phủ tại thành phố lớn thứ ba Misrata đã khiến vài người thiệt mạng.
Báo chí Italia ngày 24/2 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Franco Frattini nói rằng khoảng 1.000 người “có thể” đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở Libi. Trong khi đó, Liên đoàn quốc tế vì nhân quyền (IFHR) cho biết ít nhất 640 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, nổ ra từ hôm 14/2.
Dòng người chạy loạn đang lũ lượt đổ về các cửa khẩu dọc biên giới giữa Libi và các nước láng giềng. Ảnh: AFP - TTXVN |
Theo một tuyên bố do Tổ chức giám sát tình báo SITE đưa ra ngày 24/2, nhánh khủng bố Al-Qaeda tại Bắc Phi Islamic Maghreb (AQIM) đã tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để hỗ trợ cuộc nổi dậy chống nhà lãnh đạo Libi Moammar Gadhafi.
Về phía Libi, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Khaled Khaim cho rằng Al-Qaeda đã thành lập một tiểu vương quốc Arập Hồi giáo ở Derna (miền đông Libi). |
Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình về cuộc khủng hoảng tại Libi ngày 24/2, tuyên bố sẽ cử Ngoại trưởng nước này Hillary Clinton tới Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận với Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng như ngoại trưởng các nước đồng minh về biện pháp chấm dứt bạo lực.
Bạo loạn trong nước đã buộc hàng nghìn người dân Libi chạy tới khu vực biên giới giáp Tuynidi và Ai Cập. Người phát ngôn LHQ Martin Nesirky dẫn số liệu từ Văn phòng Phối hợp Các vấn đề Nhân quyền (OCHA) cho hay, khoảng 5.000 người Libi đã tới biên giới Tuynidi trong khi 15.000 người Libi đã tiến sát biên giới Ai Cập.
Theo ông Nesirky, OCHA “vô cùng lo ngại về vấn đề cung cấp các dịch vụ y tế cho những người tị nạn bị thương”. Trong khi đó, phát biểu trước báo giới ngày 24/2, Ngoại trưởng Italia Frattini tỏ ý lo ngại việc 300.000 người Libi sẽ nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Ông Frattini kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các nỗ lực điều phối nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư đến từ Libi nói riêng và khu vực Bắc Phi đang bị khủng hoảng nói chung.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ của 6 quốc gia giáp Địa Trung Hải gồm Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Manta đã họp tại Rôma (Itakia) để bàn cách thức giải quyết làn sóng di cư từ Bắc Phi đến châu Âu.
Các nhà ngoại giao EU cùng ngày cho biết, chính phủ các nước EU đã nhất trí sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Libi để phản ứng lại các cuộc trấn áp người biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Libi Moammar Gadhafi. Các biện pháp này có thể bao gồm việc cấm cấp thị thực, phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí cũng như các biện pháp hạn chế khác.
Cũng trong ngày 24/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên đoàn các nước Arập (AL) Amr Musa, trong đó khẳng định, Mátxcơva không chấp nhận bên ngoài gây sức ép lên các sự kiện tại Trung Đông và Bắc Phi. Ông Lavrov đồng thời nhấn mạnh, Mátxcơva ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và thế giới Arập trong việc thúc đẩy cải cách dân chủ và giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra trước các nước ở Trung Đông và Bắc Phi.
Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã tố cáo một số chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ đang kích động bạo loạn và can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ Libi. Ông Rodriguez nhấn mạnh Cuba theo dõi sát sao tình hình Libi, đồng thời bày tỏ mong muốn hòa bình nhanh chóng được thiết lập tại quốc gia Bắc Phi này mà không có sự can thiệp của bên ngoài.
Hồng Hạnh (Tổng hợp)