Lễ cầu mưa của người Khơ Mú

Người Khơ Mú quan niệm rằng, sau khi gieo hạt, với ước nguyện vụ mùa năng suất cao, phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu mong các thần linh che chở cho con người, bảo vệ mùa màng khỏi hạn hán và cầu cho mưa thuận cho gió hòa, cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Lễ cầu mưa (tê hội cơ mạ) là nghi lễ nông nghiệp đặc trưng tiêu biểu trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào người Khơ Mú. Lễ hội đã tồn tại trong tâm thức của đồng bào Khơ Mú từ lâu đời, thường được tổ chức vào ngày 15/4 hàng năm. 

Lễ hội cầu mưa gồm hai phần: Phần lễ là nghi thức cúng mời các vị thần linh về hưởng thụ đồ lễ và phần hội với các trò chơi dân gian, dân tộc, múa hát các bài dân ca, dân vũ…

Làm lễ cầu mưa trên nương.

Lễ vật gồm một đĩa thịt gà (phải là gà trống), 1 đĩa xôi, hai đôi đũa, hai cái thìa, một bát canh, một bát ớt, một chai rượu và một ít nước sạch. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, mâm lễ được đặt dưới bàn thờ tổ tiên tại nhà thầy cúng, thầy cúng thay mặt bà con dân bản làm lễ khấn mời tổ tiên của gia đình, tổ tiên của bà con dân bản về hưởng thụ đồ lễ.

Múa tầm đao trong lễ cầu mưa.

Sau lễ cúng tổ tiên, là đến lễ cúng cầu mưa trên nương. Lễ vật cúng cầu mưa gồm: 2 con gà (1 trống, 1 mái), hai bộ quần áo của phụ nữ, một vòng tay, một vòng cổ, 4 loại vải màu tự dệt của dân tộc Khơ Mú, hai chén rượu đặt trên đĩa, một chai rượu, vôi, lá trầu, thuốc lá, xôi, muối, một bát canh, một quả bầu đựng nước và 4 bông lúa để cúng xin mưa về cho cây lúa tốt tươi. Lễ vật được đặt trên một phên tre dựng sẵn trên một mảnh nương, bên cạnh có cây chuối, thầy cúng thắp nến, rót rượu khấn mời thần linh. Vừa khấn, thầy cúng vừa tung 2 thanh tre bổ đôi xuống đất, nếu 2 mặt cùng ngửa là các vị thần chưa nhận; một bên ngửa, một bên úp là đồng ý; nếu hai cùng úp xuống mặt đất thì đó là các vị thần đã nhận đồ lễ của bà con trong bản. Sau lễ khấn thần linh, thầy cúng cầm quả bầu đựng nước dội lên lá chuối, đồng thời vẩy nước vào những người đến dự lễ, với quan niệm rằng, những giọt nước từ quả bầu đó là những giọt nước linh thiêng của thần linh về dự lễ sẽ thụ lễ và sẽ đáp ứng nguyện vọng của bà con dân bản.

Múa bắt cá.

Nghi lễ cầu mưa trên nương kết thúc, thầy cúng sẽ làm lễ cúng thần thổ địa, mời thần thổ địa về chơi hội, cùng chung vui và phù hộ cho bà con trong bản. Mâm lễ cúng thần thổ địa gồm có hai con gà (1 trống, 1 mái), hai chén rượu, 1 bát canh, 1 đĩa trầu, đặc biệt có các đồ chơi, nhạc cụ sẽ sử dụng trong phần hội. Sau lễ khấn khi thầy cúng xong, bà con dân bản cùng nô nức chơi các trò chơi, điệu múa, câu hát mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú, như: kéo co, múa tầm đao, múa tăng bu, ném còn, múa sạp…

Sau khi cúng thần linh, bà con dân bản cùng nhảy những điệu múa đậm bản sắc của dân tộc.


Bài: Phương Hà. Ảnh: P.M
Lễ cầu an của đồng bào Chăm
Lễ cầu an của đồng bào Chăm

Với người Chăm, đền tháp không chỉ là chốn thiêng liêng, mà còn là điểm diễn ra nhiều lễ hội độc đáo của người Chăm như lễ hội Kate, Cambur, lễ Yuer Yang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN