Lão hóa dẫn tới làn da nhăn nheo là một quá trình đã khiến con người nỗ lực không ngừng trong suốt lịch sử để tìm cách làm chậm lại dấu vết của thời gian. Từ phẫu thuật căng da cho đến những giải pháp trị liệu như tiêm Botox, con người đã sử dụng nhiều cách để thoát khỏi những nếp nhăn "tố cáo" tuổi tác trong khi chìa khóa cho điều này lại được phát hiện ở ngay trong thiên nhiên.
Các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, chiết xuất từ lá phong Canada có thể cho hiệu quả không thua kém gì tiêm Botox chống nhăn.
Một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học ở Đại học Rhode Island, Mỹ, tiến hành cho thấy các hợp chất phenolic tự nhiên chiết xuất từ lá cây phong đỏ có tác động đối với men elastase. Làn da có được độ đàn hồi là nhờ các sợi mô liên kết, collagen và elastin. Do quá trình lão hóa, elastin bị phá hủy bởi men elastase khiến các nếp nhăn xuất hiện trên da.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các hợp chất phenolic tự nhiên từ lá phong có khả năng ngăn chặn hiệu quả hoạt tính của men elastase, do đó ngăn cản men hủy hoại elastin và bảo vệ da khỏi các nếp nhăn.
Ngoài ra, như các thử nghiệm đã cho thấy sử dụng các hợp chất phenolic tự nhiên có thể chống lại tình trạng viêm da, cũng như làm sáng các đốm sắc tố và tàn nhang.
Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Navindra Seeram, thuộc trường Đại học Đảo Rhodes, cho biết: "Các bạn có thể tưởng tượng rằng, những chiết xuất này có thể làm săn chắc làn da người giống như một loại Botox gốc thực vật vậy, mặc đây sẽ là loại bôi tại chỗ chứ không phải một độc chất được tiêm vào cơ thể".
Hiện nay chiết xuất từ lá phong đã được bổ sung vào một số sản phẩm làm đẹp trong khi các nhà nghiên cứu của Đại học Rhode Island chờ bằng sáng chế trước khi tung ra thị trường. Nhóm nghiên cứu tin tưởng người tiêu dùng sẽ yêu thích sản phầm chống nhăn da có nguồn gốc thiên nhiên hơn.
Họ cũng hy vọng, dần dần thị trường các sản phẩm làm đẹp từ lá phong sẽ mang lại lợi nhuận cho nông dân trồng cây phong Tiến sĩ Seeram giải thích: "Đa số các nguyên liệu làm đẹp từ thực vật có ttruyền thống nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và vùng Địa Trung Hải, còn ở đây, cây phong đỏ và phong đường chỉ mọc ở phía đông của Bắc Mỹ".
Nhờ phát hiện nói trên, nông dân ở Bắc Mỹ, hiện chỉ thu hoạch nhựa từ cây phong, có thể thu hoạch thêm lá để tăng thu nhập.