Cuối năm 2013, thôn Tả Gia Khâu được Dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai hỗ trợ túi bằng màng chống thấm HDPE chứa nước mưa phục vụ sinh hoạt. Nghe tin, đồng bào mừng rơi nước mắt, thế nhưng niềm vui ấy lại ngắn chẳng tày gang.
Thay vì dẫn vào túi chứa nước, hệ thống máng dẫn nước giờ lại chuyển vào những lu sành. |
Để giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân yên tâm bám đất, bám làng sản xuất, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định chọn phương án hỗ trợ túi bằng màng chống thấm HDPE chứa nước mưa phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các hộ gia đình, trường học tại xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu, hai xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng từ 1 - 5 tháng trong năm.
Tùy theo từng địa hình, nhu cầu sử dụng của từng hộ, nhóm hộ hay trường học, người dân có thể lựa chọn loại túi phù hợp (từ 35 - 100 m3), rồi đào hố đất hoặc xếp hố đá tương ứng là sẽ có một bể chứa nước. Theo đó, nước mưa sẽ được đưa vào bể lọc, theo đường ống dẫn vào bể chứa nước dự trữ bằng túi HDPE. Từ đây, các hộ gia đình sẽ sử dụng bơm tay hoặc bơm chạy bằng điện để lấy nước từ bể lên các dụng cụ chứa (lu, bể) sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Kinh phí xây dựng khoảng 20 - 25 triệu đồng/bể, tuổi thọ của túi nước từ 30 - 50 năm.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng, Ban quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai, đây là phương án phù hợp nhất với điều kiện ở Tả Gia Khâu, túi nước dễ thi công, giá thành rẻ. Nếu cùng một thể tích mà xây bể bằng gạch, chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Nghe tin có một dự án như thế ở xã Tả Gia Khâu, chúng tôi cũng vui lây và quyết tâm lên chia sẻ với đồng bào nơi vùng đất “khát” này.
Mặc dù là chủ nhật, nhưng UBND xã Tả Gia Khâu vẫn có nhiều cán bộ đang làm việc. Khi biết chúng tôi muốn “mục sở thị” túi nước, Phó Chủ tịch Cao Sơn Phà buồn bã cho hay: “Sáng kiến của tỉnh thuyết trình rất hay. Nhưng quá trình thi công lại ẩu. Hiện nay chỉ có 2/12 bể có nước. 2 bể đó là của trường tiểu học, do 2 bể này lót màng HDPE vào bể xây cũ nên không bị thủng”.
Đưa chúng tôi xuống một số hộ dân, Phó Chủ tịch Cao Sơn Phà tận tay lật dở mấy túi nước của những hộ còn lại cho chúng tôi xem, túi nào còn nhiều nước cũng chỉ chừng 50 cm nước, có túi không còn một giọt. Nguyên nhân, túi nước không tích được nước là do khi thi công, thợ hàn không che đậy đáy màng HDPE, nên mạt sắt nóng rơi xuống làm thủng màng và nước cứ thế thấm vào đất.
Chị Hảng Thị Cu, thôn Tả Gia Khâu, cho biết: “Từ khi được hỗ trợ túi nước gia đình tôi chưa được sử dụng lần nào. Hệ thống máng nước vốn để dẫn nước vào túi trữ nước, nay đã được chuyển thẳng vào những cái lu nước bằng sành”.
Một điều cũng khá bất tiện là túi nước ở cách xa nhà, nếu trời mưa và có nước, người dân trong thôn lại phải xách máy bơm, kéo dây điện một quãng đường xa để lắp, mồi nước rồi mới đưa nước về nhà được; trong khi đó, không phải lúc nào xã Tả Gia Khâu cũng có điện 24/24 giờ.
Mang những điều mắt thấy, tai nghe từ cơ sở về trao đổi với Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Mạnh Nhà, ông cho biết: “Dự án làm túi nước cho đồng bào ở Tả Gia Khâu do tỉnh Lào Cai chủ trì, họ chỉ thông báo cho huyện biết. Tôi rất buồn là quá trình thi công lại để xảy ra sự cố như vậy. Thực ra, do lượng mưa rất ít nên việc dùng túi nước không phù hợp với đồng bào ở vùng khát Tả Gia Khâu. Nếu như dự án xây dựng một hoặc hai cái hồ treo như ở tỉnh Hà Giang sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước cho bà con”.
Được biết, dự án túi nước sẽ tiếp tục được các đơn vị chức năng, Ban quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai tìm nguồn vốn, nhân rộng ra các huyện có nguy cơ sa mạc hóa cao như Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà. Dự án là đem lợi ích cho đồng bào vùng khó, nâng cao đời sống, tạo cơ hội phát trển kinh tế - xã hội, nhưng nếu triển khai dự án mà không khảo sát, không tìm hiểu nhu cầu của từng địa phương, quá trình thi công không đảm bảo sẽ gây lãng phí tiền của Nhà nước, đặc biệt sẽ làm mất lòng tin của những người dân vùng cao đang mong từng ngày có được nguồn nước sạch.
Bài và ảnh: Minh Phúc