Khả năng FED sớm tăng lãi suất gây áp lực cho thị trường vàng

Mở cửa phiên giao dịch sáng 10/8, tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay giao dịch gần mức đáy của 5 năm rưỡi qua, trong bối cảnh đồng USD vững giá sau khi số liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ trong tháng Bảy cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất vào tháng Chín tới.


Vào lúc 7 giờ 41 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.090,25 USD/ounce. Kim loại quý này đã giảm tuần thứ bảy liên tiếp trong tuần trước, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1999.


Bộ Lao Động Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng Bảy đã có thêm 215.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp trong tháng này xuống còn 5,3% - mức thấp nhất trong bảy năm qua, và tiền lương đã có xu hướng nhích lên. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó mở đường cho việc tăng lãi suất vào tháng tới của FED.


Đồng USD được giao dịch ở gần mức cao nhất của bốn tháng so với rổ tiền tệ trong phiên giao dịch sáng 10/8 tại châu Á theo sau thống kê lạc quan về thị trường lao động Mỹ.


SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cho biết, lượng vàng do quỹ này nắm giữ chỉ còn 21,47 triệu ounce hôm 7/8, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008.

* Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/8 tại thị trường châu Á, giá dầu thế giới đi xuống và chạm mức thấp nhất nhiều tháng qua, sau khi nhà đầu tư tiếp nhận báo cáo đáng thất vọng phát đi từ kinh tế Trung Quốc.

Vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 10/8 tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 22 xu Mỹ, xuống 48,39 USD/thùng, sau khi có thời điểm đã rơi xuống 48,26 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn sáu tháng qua. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ cũng có lúc gần chạm mức thấp nhất 5 tháng khi đứng ở mức 43,35 USD/thùng, trước khi rút ngắn đà giảm và hạ 18 xu Mỹ, xuống 43,69 USD/thùng.



Tín hiệu kém lạc quan mới đây từ kinh tế Trung Quốc là nhân tố chính khiến “vàng đen” xuống giá trong phiên giao dịch đầu tuần này, bởi Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Báo cáo ngày 9/8 từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này trong tháng 7/2015 giảm 8,3%, mức giảm mạnh nhất trong vòng bốn tháng qua, do nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc yếu đi và chính sách đồng NDT mạnh khiến các hãng chế tạo bị tổn thương. Thêm vào đó, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng Bảy vừa qua cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009. Theo dự báo chính thức, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ước tăng trưởng 7% trong năm nay, do điều kiện kinh tế toàn cầu được cải thiện. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng đà tăng trưởng thực tế sẽ thấp hơn con số này.

Như vậy, cả dầu Brent và dầu ngọt nhẹ New York đều vừa trải qua tuần giảm giá thứ sáu liên tiếp, giữa bối cảnh tình trạng dư cung và nhu cầu tiêu thụ yếu chưa có dấu hiệu dịu bớt. Tuần trước, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày và gần chạm mức cao nhất kể từ những năm 1970. Trong khi đó, số giàn khoan dầu đang hoạt động của nước này trong tuần trước cũng tăng thêm 6 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan tăng thêm của nước này trong ba tuần gần đây nhất lên 32 chiếc. Điều này càng khiến tình trạng dôi dư nguồn cung dầu thế giới thêm phần nghiêm trọng, qua đó tạo áp lực đi xuống đối với giá dầu.

M.H - M.T (Theo Reuters)
Giá vàng vẫn tiếp tục “dò đáy”
Giá vàng vẫn tiếp tục “dò đáy”

Giá vàng SJC trong nước phiên 7/8 tăng, giảm nhẹ không đồng đều giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng vẫn dưới ngưỡng 33 triệu đồng/lượng. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN