Mua bán bằng niềm tin
Vừa qua, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các loại hóa chất độc hại không được sử dụng trong chăn nuôi, nhưng lại có trong hầu hết các loại thực phẩm như rau củ quả, cá, thịt… Điều này gây hoang mang tới tâm lí mua sắm của người dân. Về lâu dài còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ ở Phước Bình, quận 9 cho biết: “Thông tin về những người trồng rau sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại củ quả, thịt gà, thịt lợn… được tiêm thuốc kích thích, thuốc an thần, thuốc tăng trọng, hoặc người kinh doanh thực phẩm dùng chất tẩy trắng các loại thịt ôi thiu… khiến những người nội trợ như chúng tôi thực sự lo lắng khi xách giỏ đi chợ. Thực sự tôi không biết loại thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. Vì vậy, tôi đã tìm mua thực phẩm sạch qua nhiều nguồn khác nhau”.
Các loại rau sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh giúp nông dân đảm bảo đầu ra. |
Theo lời chị Mai, thời gian đầu, chị đặt mua thịt lợn qua một người bạn thân, loại thịt này được quảng cáo là thịt lợn nuôi ở quê, không cho ăn cám tăng trọng. Tuy nhiên, khi chị Mai nấu loại thịt này, thịt vẫn có mùi hôi và có rất nhiều cặn bã bẩn. Nghi ngờ chất lượng của thịt lợn chị Mai đành phải bỏ số thịt này vào thùng rác. Sau khi từ bỏ việc mua thịt lợn nuôi kiểu dân dã ở quê, chị Mai quay ra chọn thịt lợn tại các cửa hàng, siêu thị có treo bảng “thịt lợn sạch”. Tuy nhiên chị vẫn chưa tin tưởng thực sự đây có phải là thịt sạch hay không vì sau khi được chế biến, ăn vẫn thấy thịt rất bở và hôi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an toàn bữa ăn của gia đình, một số người tiêu dùng đầu tư hàng trăm tới hàng triệu đồng vào việc tự trồng rau sạch tại nhà. Một số khác thì tìm mua thực phẩm sạch ở bạn bè, các cửa hàng, siêu thị có treo bảng bán thực phẩm sạch… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và lãng phí, bởi thực phẩm sạch được rao bán với giá khá đắt đỏ so với các loại thực phẩm trôi nổi mua ở chợ, ngoài ra đa số họ mua sản phẩm vẫn dựa vào niềm tin, vào lời khẳng định của người bán… chứ cũng chưa có sự kiểm định, công bố của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, không phải lúc nào sản phẩm sạch này cũng đảm bảo chất lượng như lời rao, bởi ai bán cũng luôn chào mời đảm bảo thực phẩm của mình là sạch. Tuy nhiên, nhiều lúc vì lợi ích, một số người kinh doanh cũng trà trộn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc vào thực phẩm sạch. Ví dụ như trong năm 2014 đã có công ty rau an toàn bị phát hiện mua rau ngoài chợ về dán mác công ty mình rồi đem cung cấp cho các siêu thị. Điều đó càng làm mất lòng tin của người tiêu dùng nhiều hơn.
Những thực phẩm an toàn được đưa tới người tiêu dùng nhờ hiệu quả từ Chương trình kết nối cung cầu của thành phố. |
Chia sẻ với những băn khoăn này của người nội trợ, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Thực phẩm được cơ quan nhà nước chứng nhận là sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt hoặc rau an toàn hay thực phẩm trong chuỗi an toàn đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng, hiện được bày bán ở những cơ sở bảo đảm vệ sinh là đáng tin cậy. Người tiêu dùng có thể tìm đến các điểm bán các loại thực phẩm này tại các siêu thị, các cửa hàng có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Lưu ý, những sản phẩm này luôn có tên hàng, ghi rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm”.
Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, thành phố đã phối hợp cùng các tỉnh có nguồn cung rau củ quả, thịt sạch… để tạo nên sản phẩm có quy trình khép kín, giảm thiểu tình trạng thực phẩm bẩn được tuồn vào thành phố. Điển hình như thành phố thực hiện chương trình kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố với các sản phẩm đều là sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap…
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn, để đáp ứng nhu cầu này, Sở Công Thương thành phố đã kí hợp tác kết nối cung cầu với các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ để đảm bảo nguồn cung và kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Ngoài hệ thống phân phối nguồn thực phẩm này là siêu thị, thành phố còn mở rộng hệ thống phân phối đến các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống… Tính đến nay, thành phố đã có 246 địa điểm phân phối sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực phẩm an toàn.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh: Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap được kiểm tra nghiêm ngặt đầu vào từ các quy trình sản xuất đến khâu phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng, người dân có thể yên tâm khi sử dụng những sản phẩm này. Hiện nay, thành phố đã công bố danh sách nhiều công ty, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap, như Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Hợp tác xã rau sạch Hoa Anh Đào… |
Hệ thống chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố đã có gần 100 doanh nghiệp, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung ứng thuộc các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Nai… cung ứng cho thị trường gồm rau quả, thủy sản, nước mắm, thịt gà, thịt heo, trứng gà. Với tổng sản lượng thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường đạt 37.418 tấn/năm. Trong đó, chuỗi rau quả cung ứng 17.836 tấn/năm, chuỗi nước mắm 3,6 triệu lít năm, chuỗi thủy sản cung ứng sản lượng 1.576 tấn/năm.
Là đơn vị có nhiều sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện Saigon Co.op cho biết: “Saigon Co.op cam kết tất cả các điểm bán của hệ thống bán lẻ đều chỉ kinh doanh các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Hiện tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang kinh doanh hơn 4.000 mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân như gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, mì, bột ngọt, đồ hộp, bánh kẹo, thực phẩm chế biến... Những sản phẩm này đều đạt các chứng nhận ISO, HACCP, GMP… Đặc biệt là có 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà và trứng gà đạt tiêu chuẩn VietGap”.
“Một số mặt hàng thuộc nhóm rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGap luôn có mức tăng trưởng bình quân hơn 2,5 lần. Vì vậy sắp tới chúng tôi vẫn kiên quyết duy trì kinh doanh những sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhằm thiết thực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, chúng ta cũng cần mở rộng và phát triển các điểm bán thực phẩm sạch rộng rãi hơn. Các doanh nghiệp sản xuất cũng nên công bố rộng rãi, cụ thể rõ ràng các điểm bán thực phẩm sạch ở đâu, địa chỉ rõ ràng để người dân tìm tới”, vị đại diện Saigon Co.op này cho biết thêm.