Thực phẩm kém chất lượng, đặc biệt là các loại rau, củ, quả nhập khẩu cũng như rau củ quả sản xuất trong nước mất an toàn đang là vấn đề nóng khiến người tiêu dùng quan tâm lo ngại. Báo Tin Tức đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về những giải pháp triển khai để kiểm soát chất lượng hàng nông sản tốt hơn.
Thưa ông, gần đây xuất hiện nhiều cảnh báo của ngành nông nghiệp về các tồn dư hóa chất trong nông sản thực phẩm (cả sản xuất trong nước và nông sản nhập khẩu). Ông có thể cho biết khái quát về tình hình này?
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng rất phổ biến. Cùng với lợi ích giúp người sản xuất phòng chống dịch hại cây trồng, bảo vệ mùa màng, nâng cao hiệu quả sản xuất thì việc sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học có thể để lại dư lượng trong nông sản thực phẩm. Nếu dùng thuốc không hợp lý thì mức dư lượng trong nông sản cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong số các loại nông sản thực phẩm thì các loại rau, củ, quả tươi là những loại thực phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm (ATTP) do việc lạm dụng thuốc BVTV.
Cửa hàng rau sạch của Hợp tác xã rau sạch Thỏ Việt (Củ Chi - TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Chương trình giám sát ATTP rau quả tươi tại các nước phát triển (EU, Mỹ, Ôxtrâylia...) những năm gần đây cho thấy, có khoảng 40 - 50% số mẫu rau quả tươi có mặt trên thị trường các nước này có chứa dư lượng thuốc BVTV nhưng phần lớn ở ngưỡng an toàn, chỉ có khoảng 2 - 3% số mẫu chứa dư lượng thuốc BVTV vượt mức dư lượng tối đa cho phép.
Còn tại Việt Nam, theo kết quả giám sát ATTP, có khoảng 7 - 8% số mẫu rau, quả tươi có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép, trong đó các loại rau ăn lá có nguy cơ mất ATTP cao hơn các loại rau, quả khác. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam chiếm vị trí trung bình.
Vậy trước thực trạng này, ngành nông nghiệp có những biện pháp nào để kiểm soát tốt hơn chất lượng rau, củ, quả đang lưu thông trên thị trường trong nước, thưa ông?
Việc giám sát ATTP trên rau, quả trên thị trường chỉ có tác dụng phát hiện vi phạm để đánh giá thực trạng công tác quản lý ATTP, từ đó truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Đồng thời cung cấp thông tin cần thiết để người tiêu dùng biết, có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro.
Còn để giải quyết tận gốc vấn đề mất ATTP, phải quản lý toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, đặc biệt là quá trình sử dụng thuốc BVTV.
Vừa qua, ngành NN&PTNT và các địa phương đã có nhiều nỗ lực như quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn, sản xuất rau quả theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, đảm bảo ATTP. Những nỗ lực này đã tạo được những chuyển biến đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATTP và chính sách khuyến khích sản xuất nông sản an toàn đã từng bước được hoàn thiện, ban hành và thực hiện.
Các phòng kiểm định, phân tích dư lượng thuốc BVTV và nguồn nhân lực phục vụ công tác này đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, theo kết quả phân tích nguy cơ mất ATTP trên rau, quả ở Việt Nam do Cục BVTV tiến hành thì nguy cơ mất ATTP trên rau, đặc biệt là rau ăn lá vẫn còn khá cao, gây không ít bức xúc và lo lắng cho người tiêu dùng trong nước.
Đối với nông sản nhập khẩu, đặc biệt là nông sản có nguồn gốc thực vật đã và đang được quản lý bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm ra sao? Có nhiều ý kiến cho rằng máy móc kiểm định chất lượng còn kém. Vậy việc đầu tư cho máy móc thiết bị có được tăng cường hơn trong thời gian tới như thế nào thưa ông?
Hiện nay, thực phẩm nguồn gốc thực vật nói chung và rau, củ quả tươi nói riêng từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu theo con đường chính ngạch và được các đơn vị của Cục BVTV kiểm tra ATTP theo quy định tại Thông tư 13/2011 TT - BNNPTNT, các lô hàng đáp ứng yêu cầu theo quy định mới được nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, rất khó quản lý nông sản nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch. Đây vẫn là kẽ hở để nông sản nhập khẩu không đạt chuẩn được đưa vào nước ta.
Còn về máy móc, thiết bị phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, mặc dù còn có những mặt hạn chế nhưng hiện nay các thiết bị và nhân lực của Việt Nam cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giám sát, kiểm tra ATTP.
Xin cảm ơn ông!
Hạn chế nhập khẩu nội tạng đông lạnh
Bộ NN&PTNT cho biết, từ ngày 1/9/2013, việc nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh từ nước ngoài vào Việt Nam chỉ được làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu các cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tất cả các lô hàng nội tạng trắng nhập khẩu vào Việt Nam được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm dịch động vật và hải quan. Chỉ cho phép thông quan khi lô hàng bảo đảm các quy định về ATTP. Các lô hàng không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP của Việt Nam, có nguồn gốc từ các nước chưa có thỏa thuận về mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm nội tạng trắng, hoặc từ các nước chưa được phép xuất khẩu vào Việt Nam đều buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy. |
Mạnh Minh (thực hiện)