Không chỉ có thực phẩm nhập lậu, mà ngay cả thực phẩm sản xuất trong nước nhiều lúc cũng trở thành nỗi kinh hoàng đối với người nội trợ.
Rau nhiễm thuốc trừ sâu
Trước mối lo rau quả không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều gia đình ở các thành phố lớn tự trồng rau (bằng hộp xốp) để cung cấp rau xanh cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để tự sản xuất rau sạch, mà phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ các chợ với tâm lý may thì hưởng, rủi phải chịu. Qua tìm hiểu tại các chợ tại Hà Nội cho thấy, các tiểu thương khi đi lấy hàng thường chẳng mấy khi hỏi chủ hàng là rau này được bón những loại phân gì, phun thuốc gì. Thành ra, khi mang ra bán lẻ, khách hàng có hỏi thì họ cũng không rõ rau này do ai trồng, có đảm bảo an toàn hay không hoặc trả lời cho qua. “Thịt lợn còn có dấu kiểm dịch, chứ rau thì làm gì có dấu kiểm dịch. Chúng tôi chỉ là người bán, làm sao biết được người trồng phun thuốc gì”- chị Nguyễn Thị Duyên, tiểu thương tại chợ sinh viên của Trường ĐH Nông nghiệp I cho biết.
Nhân viên Công ty Tư vấn và Đầu tư phát triển Rau Hoa Quả (Viện Nghiên cứu Rau Quả) kiểm tra rau cải mầm (một loại rau sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm). Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Nếu chỉ bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là rau an toàn, đâu là rau có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng vượt mức cho phép. “Trồng rau mà không phun thuốc trừ sâu thì chúng tôi mất ăn. Rau đay, mùng tơi, rau muống còn đỡ; chứ rau cải, đỗ không phun vài lần thì sâu thu hoạch hộ chúng tôi”, chị Phạm Thị Luân, một người trồng rau ở Long Biên, Hà Nội cho biết. Vậy nên mới có chuyện rau “bẩn” vẫn được đưa vào chợ trà trộn cùng rau sạch.
Theo báo cáo của 23/63 Sở NN&PTNT, 6 tháng qua, các địa phương đã kiểm tra gần 7.000 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, qua đó phát hiện 1.126 cơ sở vi phạm (chiếm 16%). Trong tổng số 841 mẫu nông sản được xét nghiệm có 19 mẫu (chiếm 2,2%) có vi sinh vật (Salmonella, E.Coli…) vượt tiêu chuẩn cho phép; 14 mẫu (chiếm 1,67%) nhiễm dư lượng chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng vượt mức cho phép.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng cho biết thêm, qua kiểm nghiệm 25 mẫu rau ngót và 25 mẫu mướp đắng được lấy tại một số chợ đấu mối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Cục phát hiện có 7 mẫu rau ngót và 2 mẫu mướp đắng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, qua kiểm nghiệm 25 mẫu rau ngót và 25 mẫu mướp đắng, cục phát hiện có 7 mẫu rau ngót và 2 mẫu mướp đắng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Thịt, thủy sản còn hóa chất, kháng sinh cấm
Rau đã vậy, chất lượng thịt gia súc, gia cầm cũng đáng ngại không kém. Việc sử dụng chất tạo nạc beta agonist trong chăn nuôi lợn, tồn dư chất Trifuralin trong cá, tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi vận chuyển và giết mổ không còn là chuyện lạ. Rồi gà giết mổ xong được tẩm màu công nghiệp - chất Diaminoazobenzen hydrochloride, một loại phẩm màu công nghiệp dùng trong sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su cũng đã xuất hiện. Rồi mới đây, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau liên tiếp phát hiện các trường hợp bơm nước lã vào lợn, gà vịt để tăng trọng lượng. Cách làm này của các chủ hàng khiến chất lượng thịt không đảm bảo, thịt dễ nhiễm vi sinh vật.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, kết quả giám sát trong 6 tháng đầu năm đối với 5.478 mẫu thịt động vật cho thấy: Có tới 120 mẫu (chiếm 2,3%) có chỉ số vi sinh vật vượt mức cho phép, 31 mẫu (chiếm 0,6%) vi phạm chỉ tiêu về hóa chất. Trong tổng số 1.213 mẫu thủy sản được kiểm tra, có 25 mẫu (2%) vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, 44 mẫu (3,6%) có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm, kim loại nặng vượt giới hạn cho phép.