Thông thường, giá thực phẩm thường tăng đột biến vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi và điều tiết thị trường để đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường.
Đủ nguồn cung
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vào dịp Tết, nhu cầu thịt, trứng sẽ tăng khoảng 20 - 30% so với các tháng trong năm. Tính đến tháng 11/2013, cả nước có 23,6 triệu con lợn, bằng 99% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2%. Theo Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi), trong ba tháng qua, số lượng con giống xuất bán tăng 50% so với các tháng trước.
Gia đình ông Trần Công Thịnh, ở thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 50 tấn thịt lợn, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Vũ Sinh - TTXVN |
Về chăn nuôi gia cầm, cả nước hiện có 317 triệu con, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 236,4 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm từ đầu năm đến nay đạt 762.300 tấn, tăng 4%. Sản lượng trứng gia cầm đạt 7.422 triệu quả, tăng 1,7%. Do đó, nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, giá sẽ không tăng đột biến.
Chủ một trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, thời điểm này, giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng nhích lên. Cụ thể, thịt lợn hơi xuất chuồng có giá khoảng 50.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg so với vài tháng trước, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Ở miền Nam, giá dao động từ 46.000 - 47.000 nghìn đồng/kg; miền Trung, từ 43.000 - 44.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gia cầm lại đang ở mức thấp. Hiện gà thả vườn có giá 90.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo một số trang trại ở Chương Mỹ (Hà Nội), Tết năm ngoái, giá gà thả vườn lên tới 140.000 đồng/kg nhưng khả năng Tết năm nay, giá không tăng mạnh, chỉ khoảng 100.000 đồng/kg do nguồn cung khá nhiều. Không chỉ gà thả vườn, giá các loại gà khác cũng tương đối thấp. Cụ thể, gà công nghiệp lông trắng chỉ có giá 20.000 - 21.000 đồng/kg, gà lông màu 25.000 - 27.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan và địa phương tích cực phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, cung ứng đủ giống cho sản xuất và lưu thông sản phẩm chăn nuôi trong nước.
UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu 29 quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phối hợp, xử lý triệt để các đường dây vận chuyển cũng như các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác với các tỉnh để đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tăng cường hỗ trợ người chăn nuôi
“Tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới cơ bản được kiểm soát, nhưng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm soát tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và tạm nhập tái xuất thực phẩm. Thực tế cho thấy, việc nhập lậu sản phẩm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường và sản xuất chăn nuôi trong nước”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.
Bên cạnh đó, trong năm qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá bán sản phẩm xuống thấp, trong khi giá thức ăn vẫn ở mức cao từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Kèm theo đó, chi phí chăn nuôi tăng cao khiến lợi nhuận của người chăn nuôi thua lỗ.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ðăng Vang cho rằng, lợi nhuận của người chăn nuôi vẫn chưa chắc chắn vì giá thịt và trứng gia cầm đang có xu hướng giảm.
Hiện nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đã được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để thúc đẩy chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và sau này, Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cho phép các cơ sở chăn nuôi trang trại, HTX chăn nuôi được hưởng chính sách ưu đãi hơn.
Để hỗ trợ chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần phải đảm bảo cơ chế bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho nông dân. Về dài hạn, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị khác để có những cơ chế tín dụng cho nông nghiệp trong thời gian tới.
Phi Sơn