Tăng nguồn cung thực phẩm sạch

Nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn, mang tới cho người tiêu dùng các loại thực phẩm sạch, an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã mở đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, các địa phương cũng tăng cường liên kết để tạo ra các chuỗi thực phẩm sạch, cung cấp cho người tiêu dùng, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.


Người dân có thể an tâm

Ngày 7/12, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn Việt Nam), GlobalGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn toàn cầu), HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn). Theo đó, có 5 đơn vị đăng kí thực hiện phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với tổng số 246 điểm bán. Nhóm các mặt hàng được bán chủ yếu vẫn là rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Gian hàng VietGAP tại siêu thị Co.op Nguyễn Đình Chiểu có ghi chú cụ thể bằng bộ nhận diện riêng.

Các hệ thống siêu thị Co.opMart, Co.op Food, Co.opXtra, Satrafood, Satramart…, đều có gian hàng dành riêng cho sản phẩm VietGAP, có ghi chú cụ thể bằng bộ nhận diện riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.

Chị Minh Hân, ngụ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khi các siêu thị đồng loạt ký cam kết, bao tiêu sản phẩm có nguồn gốc, được chứng nhận VietGAP, lại có sự đảm bảo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thì người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Nhất là rau, thịt có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu rõ ràng. Bây giờ, tôi sẽ thường xuyên ghé siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu hơn để mua thực phẩm sạch”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, TP đã đưa ra tiêu chí chung cho các cửa hàng, cũng như từng sản phẩm sẽ được quản lý theo đúng quy trình từ chỉ dẫn địa lý đến nơi giết mổ và điểm bán cuối cùng, giúp người dân có thể an tâm mua sắm.

Còn tại Hà Nội, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo chương trình bình ổn giá của UBND thành phố Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, siêu thị cũng cam kết cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp cam kết cung cấp rau, trứng, thịt, gạo… đảm bảo nguồn gốc. Ví dụ như: Co.op Mart Hà Nội, Hapro, Fivimart, Intimex, Công ty Thực phẩm Vinh Anh, An Việt…

Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sau khi phát động đợt cao điểm hành động VSATTP, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch triển khai. Tất cả các tỉnh đã có kế hoạch hành động cho đợt cao điểm này, các sở tăng cường liên kết chuỗi, mở cửa hàng mới, giới thiệu địa chỉ bán hàng VSATTP... Ví dụ Tây Ninh phối hợp với các doanh nghiệp trẻ mở chuỗi cửa hàng bán rau sạch, Long An, Bình Dương mở phiên chợ VSATTP, giới thiệu các điểm bán rau VietGAP, tăng cường kiểm tra đột xuất, chứng nhận đủ điền kiện sản xuất an toàn…

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, để cung cấp thực phẩm sạch cho hai thành phố chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Trồng trọt phối hợp với TP Hồ Chí Minh, Cục Bảo vệ thực vật làm đầu mối hợp tác với Hà Nội.

Triển khai chuỗi hệ thống không đơn giản

Tuy nhiên, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai chuỗi hệ thống phân phối ATVSTP không đơn giản, vì nguồn cung các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP vẫn chưa dồi dào, phong phú, nhất là mặt hàng thịt heo.

Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, để đủ nguồn heo VietGAP cung ứng, mỗi ngày Vissan phải có 500 con để giết mổ, mỗi tháng phải có 15.000 con. Nhưng qua khảo sát tại các trại, mỗi trại hiện chỉ nuôi từ 20 - 30 con. Ngay cả Công ty An Hạ là doanh nghiệp có nguồn cung heo VietGAP lớn cũng không đảm bảo đủ số lượng cung cấp cho Vissan. Trong khi đó, tại các trang trại chăn nuôi có thế mạnh như Đồng Nai lại không mặn mà với VietGAP.

Tương tự, đại diện Saigon Co.op cũng cho biết tại hệ thống Co.opMart, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 tấn thịt heo, tương đương với 300 con. Hiện nguồn cung heo VietGAP của Co.opMart lấy từ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi), nhưng mỗi ngày Sargi mới chỉ cung ứng cho Co.opMart khoảng 10 tấn, số còn lại để chế biến và bán cho các cửa hàng Sargi.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện Hà Nội mới tự túc được 50% rau, TP Hồ Chí Minh mới được 40%. Hai thành phố đã liên kết với các địa phương lân cận để sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp chưa được chặt chẽ, rõ ràng và nguồn cung còn hạn chế. Hơn nữa, hoạt động chứng nhận rau an toàn đã được phân cấp cho các sở NN&PTNT địa phương.

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, nhưng nếu có sự đồng lòng của các sở, ngành và doanh nghiệp sẽ từng bước khắc phục được.

Ngoài việc tăng cường nguồn cung, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, sẽ tăng cường truyên truyền để người dân nhận diện được các loại thực phẩm sạch, giới thiệu thêm những địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho người dân, đây là những địa chỉ được cơ quan chức năng xác nhận. Cuối cùng là tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện nghiêm VSATTP.

Hải Yên - Hữu Vinh
Bảo đảm đủ thực phẩm sạch cho thị trường Tết
Bảo đảm đủ thực phẩm sạch cho thị trường Tết

Thông thường, giá thực phẩm thường tăng đột biến vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi và điều tiết thị trường để đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN