Góp công, của xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của tỉnh Hòa Bình đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch rõ nét; nhiều công trình được đầu tư xây dựng, đã và đang phát huy hiệu quả.

Thôn Sung 2, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được chọn làm điểm về xây dựng NTM. Ban Phát triển của thôn đã phối hợp với các tổ chức chính trị trong thôn, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, tiền mặt để xây dựng các công trình phúc lợi. Sau 5 năm, người dân trong thôn đã hiến được hơn 10.000 m2 đất các loại để làm đường, nhà văn hóa...; đóng góp 820 ngày công và hơn 200 triệu đồng tiền mặt.

Nhiều hộ đồng bào vươn lên làm giàu từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Hưng

Ông Bùi Văn Kiêm, Bí thư Chi bộ thôn Sung 2, cho biết: Nhà nước chủ trương xây dựng NTM, nhằm nâng cao cuộc sống của người dân, nên bà con trong thôn đã đóng góp tiền, công sức và đất đai, cùng nhau xây dựng thôn để làm mới, làm đẹp cho gia đình, làng xóm mình. Sau khi những con đường đất nhỏ hẹp nắng bụi, mưa bùn được rải bê tông, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hình thành, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, thì cuộc sống của người dân cũng đổi thay theo hướng no ấm, tươi vui hơn.

Gia đình ông Bùi Văn Quyết, ở thôn Nước Ruộng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tự nguyện hiến hơn 150 m2 đất thổ cư, 1.600 m2 đất rừng, 9 m tường rào và nhiều cây ăn quả lâu năm để làm các công trình điện, đường giao thông nông thôn. Gia đình ông Quách Văn Khón, ở xóm Mương, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, hiến 1.500 m2 đất thổ cư trị giá hơn 200 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Toàn huyện Tân Lạc đã vận động được hơn 7.000 hộ dân tham gia hiến gần 20 ha đất để làm đường giao thông và các công trình hạ tầng nông thôn.

Những con đường nông thôn mới góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào.

Trong tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều phong trào, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM như: Thắp sáng đường quê; áp dụng thiết kế mẫu trong xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi để tiết kiệm chi phí đầu tư; thành lập các tổ hợp tác giúp các hộ dân thoát nghèo. Trong 5 năm (2011 - 2015), toàn tỉnh Hòa Bình đã huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, đất đai, vật liệu, máy móc... quy đổi bằng tiền tổng trị giá gần 2.000 tỷ đồng để góp phần xây dựng NTM; trong đó, có gần 1,8 triệu ngày công lao động, hiến gần 189 ha đất.

Qua 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Hòa Bình đã giúp cuộc sống người dân có nhiều thay đổi tích cực, nên đã tạo sự đồng thuận cao, cả hệ thống chính trị vào cuộc; đội ngũ cán bộ cơ sở có trách nhiệm hơn, gần gũi và gắn bó với dân hơn; các đoàn thể quần chúng có những việc làm cụ thể hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có 89/191 xã đạt tiêu chí về thu nhập NTM. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực nông thôn mỗi năm giảm khoảng 4,79% (năm 2015 còn 15%).

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Giai đoạn tiếp theo, các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn; xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn.
Vũ Hà
Xây dựng nông thôn mới vùng cao Quảng Nam
Xây dựng nông thôn mới vùng cao Quảng Nam

Con đường đất năm xưa dẫn vào trung tâm xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nay đã được trải nhựa phẳng lì, uốn lượn qua những đồi keo, đồi chè ngút ngàn. Xã Ba có hơn 5.000 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN