Thôn Sung 2, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Ban phát triển thôn đã phối hợp với các tổ chức chính trị trong thôn, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, tiền mặt để xây dựng các công trình phúc lợi. Sau 5 năm, người dân trong thôn đã hiến được hơn 10.000 m2 đất các loại để làm đường, nhà văn hóa...; đóng góp 820 ngày công và hơn 200 triệu đồng tiền mặt.
Người dân góp đất làm đường giao thông nông thôn. |
Không chỉ người dân tham gia tích cực vào việc hiến đất, đóng góp tiền, ngày công... ở tỉnh còn xuất hiện nhiều phong trào, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện chương trình này như: Thắp sáng đường quê; áp dụng thiết kế mẫu trong xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi để tiết kiệm chi phí đầu tư; thành lập các tổ hợp tác giúp các hộ dân thoát nghèo. Trong 5 năm (2011 - 2015), toàn tỉnh Hòa Bình đã huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, đất đai, vật liệu, máy móc... quy đổi bằng tiền tổng trị giá gần 2.000 tỷ đồng để góp phần xây dựng nông thôn mới; trong đó, có gần 1.800.000 ngày công lao động, hiến gần 189 ha đất.
Qua 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình, đời sống của nông dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh tăng khoảng 2,5 triệu đồng/người/năm (năm 2015, bình quân đạt 18,2 triệu đồng/người/năm). Hiện nay, toàn tỉnh có 89/191 xã đạt tiêu chí về thu nhập nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực nông thôn mỗi năm giảm khoảng 4,79% (năm 2015 còn 15%). Tổng nguồn vốn của tỉnh huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là gần 9.774 tỷ đồng. Đã có 31 xã được công nhận xã nông thôn mới.