Cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 4 tháng đầu năm nay diễn biến khả quan. Bội chi NSNN được kiểm soát ở mức thấp, bằng 11,2% dự toán, chủ yếu do thu ngân sách đạt khá và điều chỉnh trong luật về cách tính chi NSNN.
Công trình giao thông cần nguồn vốn đầu tư lớn. Ảnh minh họa: Xuân Triệu - TTXVN |
Đáng lưu ý là thu nội địa có sự chuyển biến tích cực do thu từ khu vực sản xuất kinh doanh cải thiện (thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 4,5% so cùng kỳ; cùng kỳ 2016 giảm 7,3%), cho thấy các hoạt động kinh tế có dấu hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên các chuyên gia tài chính cũng đưa ra một số số điểm sau: Thứ nhất: Thu từ dầu thô tuy đóng góp tích cực vào thu NSNN nhưng chủ yếu do yếu tố giá, trong khi sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh tới 14,9% so cùng kỳ 2016, mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm gần đây (cùng kỳ 2016 giảm 3,7%, cùng kỳ 2015 tăng 9,8%), gây tác động không nhỏ tới tăng trưởng GDP quý 1/2017.
Thứ hai là giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, bằng 12,4% dự toán. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm vào đầu năm vẫn là yếu tố làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Vì vậy, cần chủ động đẩy mạnh việc giải ngân ngay trong quý tiếp theo, đặc biệt khi có Chỉ thị 01/CT-BXD ngày 5/4/2017 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư năm 2017.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 do . Văn bản nêu rõ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2017 còn thấp so với yêu cầu, ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm và lãng phí vốn đầu tư và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan là giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, địa phương, ban quản lý dự án còn thụ động, thiếu quyết liệt, khẩn trương.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan phải hoàn thành toàn bộ việc giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này; sâu sát, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát các văn bản hướng dẫn về kiểm soát chi và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, phù hợp quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ; định kỳ 15 ngày và hằng tháng cập nhật tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ KH&ĐT.
Bộ Xây dựng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng; tăng cường đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế dự toán xây dựng công trình, việc thành lập các ban quản lý chuyên ngành, ban quản lý khu vực, ban quản lý đầu tư xây dựng.
Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, NFSC đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 với 3 mức cao, mức khá và mức trung bình. Theo đánh giá của NFSC, mặc dù nền kinh tế nhìn chung vẫn trong xu hướng cải thiện, nhất là đối với khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, song những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Dự báo tăng trưởng của cả năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra 3 kịch bản. Với kịch bản trung bình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2017 chỉ đạt khoảng 6,2% (ở kịch bản này tăng trưởng tín dụng từ 17-18%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 8-9%).
Ở kịch bản khá, tăng trưởng kinh tế có thể đạt từ 6,4-6,5% (tăng trưởng tín dụng từ 19%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 10%. Còn ở kịch bản cao là 6,7% (tăng trưởng tín dụng từ 20-21%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 11-12%).