Theo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 6/2015, kết quả thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn nhà nước ước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Vốn XDCB tập trung đã thanh toán đạt trên 81 nghìn tỷ đồng, đạt 45,9% kế hoạch đã giao (cùng kỳ năm 2014 đạt 49,6%).
Trong đó, nguồn vốn do các bộ, ngành Trung ương quản lý đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch; nguồn vốn địa phương quản lý đạt gần 67 nghìn tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã thanh toán đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch đã giao (cùng kỳ năm 2014 đạt 40,3%).
Theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm nay vẫn còn thấp, tổng số vốn đầu tư XDCB tập trung giải ngân qua Kho bạc Nhà nước thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ; nguồn vốn TPCP thấp hơn tới 4,3% so cùng kỳ. Nguyên nhân xảy ra tình trạng giải ngân thấp là do cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng thời gian qua có nhiều thay đổi và có hiệu lực thi hành từ năm 2014, 2015 như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; các Nghị định của Chính phủ nên những dự án, công trình triển khai trong năm 2015 đã phần nào bị ảnh hưởng đến việc triển khai, giải ngân vì phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng...
Đại diện Vụ Đầu tư cho rằng: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB cần thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường. Bộ Tài chính đã cam kết bảo đảm nguồn vốn kịp thời thanh toán cho các công trình khi có đủ điều kiện; đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để các bộ, ngành và địa phương có căn cứ thực hiện các nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2015; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, KBNN các cấp trong xử lý, điều hòa, điều chỉnh, thanh toán vốn cho các dự án cụ thể.