Khơi nguồn vốn đầu tư, tăng cường quản lý nhà công vụ

Đóng góp nhiều ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tại phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII hướng tới khơi thông các điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời góp phần minh bạch hóa công tác quản lý nhà ở, đặc biệt là nhà công vụ và nhà ở xã hội.

Nhấn mạnh yếu tố tự do kinh doanh


Trong Luật Đầu tư (sửa đổi), việc thực hiện và bảo đảm nguyên tắc công dân được tự do kinh doanh những ngành, nghề mà xã hội không cấm, là nội dung được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Ở nước ta, một số ngành nghề (ví dụ như chứng khoán, ngân hàng, khám chữa bệnh…) vốn là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này góp phần bảo đảm chất lượng cho hoạt động của những ngành nghề nhiều yếu tố đặc thù này, từ đó bảo đảm ổn định xã hội. Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp khi đưa ra trình Quốc hội hồi đầu 2014 cũng nêu chung chung công dân “được đầu tư trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm" và "có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật không cấm”. Quy định này được đánh giá là chưa rõ ràng, và có khả năng tạo nút thắt trong đầu tư kinh doanh. Đâu là những ngành nghề “pháp luật cấm” hay “không cấm”? Một danh mục đi kèm là điều cần có nhưng chưa được Bộ KH - ĐT đưa ra.


Bên cạnh dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cũng sẽ tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Thú y; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới đồng thời cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân và thảo luận một số nội dung quan trọng khác.

Chính vì vậy, các ý kiến của đại biểu trong kỳ họp này cho rằng: nếu tuân thủ nguyên tắc công dân có quyền kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, thì cần đối chiếu quy định về “kinh doanh có điều kiện” trong Luật Đầu tư, với những luật chuyên ngành để có điều chỉnh phù hợp, và nếu cần thì bãi bỏ quy định này.


Theo các đại biểu, nếu có một danh mục nêu rõ những ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh, cũng cần chú ý tới yếu tố “mở”, bởi tình hình kinh tế xã hội biến chuyển nhanh chóng. Và, theo các chuyên gia, nếu trong phiên họp tới, chưa có danh mục cho nội dung này, thì việc thông qua dự thảo Luật Đầu tư vẫn chưa thể dễ dàng.


Chính sách nhà ở phải đúng đối tượng


Trong Luật Nhà ở (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến lần này, nội dung nhà công vụ và nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý, bên cạnh các ý kiến cho rằng cần tạo thêm quỹ nhà ở công vụ và hỗ trợ vốn để người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở xã hội, thì rất cần sự minh bạch trong quản lý các nguồn nhà ở này.


Trước hết về nhà ở công vụ, ý kiến của các đại biểu quốc hội khẳng định phải có quỹ nhà ở công vụ cho không chỉ đối tượng là cán bộ cao cấp, mà cho cả các cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi này đến nơi khác; trong đó bao hàm cả cán bộ điều động tới vùng sâu, vùng xa và cán bộ từ miền xa tới các thành phố lớn. Đặc biệt, quỹ nhà công vụ dành cho các giáo viên, bác sĩ… điều động lên vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn. Tương tự như vậy, các ý kiến cũng đồng thuận cần có quỹ phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trong xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tạo lập chỗ ở.


Song song với các ý kiến trên, là quan điểm: đối với nhà ở công vụ, cần quy định rõ đối tượng, chính sách, giá nhà ở… để có sự công bằng và minh bạch. Còn với nhà ở xã hội, cũng phải bảo đảm nhà ở sẽ đến được với các đối tượng khó khăn thật sự. Việc tạo nguồn quỹ phát triển nhà ở phải song song với việc điều chỉnh các quy định, để đối tượng khó khăn có thể tiếp cận được, chứ không để tình trạng “người thu nhập trung bình mua nhà còn khó, chứ nói gì tới người thu nhập thấp”!.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN