Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 tổ chức ngày 17/5/2015 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khẳng định trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo đầu tư, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, thu hút vốn đầu tư xã hội toàn vùng tăng nhanh. Từ năm 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn vùng Tây Nguyên đạt 147.000 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… của vùng được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân.
Tính đến hết quý I/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đạt 25.000 tỷ đồng cho hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp. Để phát huy tiềm năng thế mạnh của Tây Nguyên và góp phần vào phát triển KTXH của vùng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại cam kết số tiền dự kiến đầu tư trung và dài hạn vào Tây Nguyên khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong đó, xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn nói chung và đầu tư đối với sản phẩm thế mạnh của vùng Tây Nguyên như cà phê, chè, cao su, tiêu… vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, vì mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các tình vùng Tây Nguyên
Trong các nguồn lực được huy động cho phát triển, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo của Tây Nguyên. Tổng vốn ODA đã được ký kết trong 4 năm qua của các tỉnh vùng Tây Nguyên là 409,9 triệu USD. Vùng Tây Nguyên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA theo chính sách của Chính phủ như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp và trồng rừng, giáo dục và đào tạo, cấp nước sinh hoạt… Các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ODA trong vùng đã đưa vào sử dụng được Chính phủ và các nhà tài trợ đánh giá đạt được mục tiêu phát triển và có hiệu quả đầu tư cao.
Về nguồn vốn thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy điều kiện KTXH của vùng Tây Nguyên có nhiều khó khăn, nhưng lại có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để thu hút nguồn vốn này. Tính lũy kế đến cuối năm 2014, có tổng 148 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký 819 triệu USD. Từ năm 2011 - 4/2015, vùng Tây Nguyên có 38 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, với tổng số vốn đầu tư là 122 triệu USD, trong đó tỉnh Lâm Đồng đứng đầu vùng với 29 dự án và 74,9 triệu USD, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất với 16 dự án với 54,4 triệu USD.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì Hội nghị, khẳng định: Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng đến nay Tây Nguyên mới đóng góp khoảng 4,5% GDP của cả nước và so với vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. Nhu cầu vốn để phát triển Tây Nguyên rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn phải huy động các nguồn khác như ODA, FDI và vốn nước ngoài. Để Vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững thì rất cần sự liên kết, đầu tư, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần này là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách thu hút đầu tư của địa phương mình. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, thân thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế để an tâm đầu tư kinh doanh và cùng phát triển.
Đoàn chủ tịch chủ trì Hội nghị. |
Nhờ thu hút đầu tư có hiệu quả để phát triển KTXH vùng Tây Nguyên, nên GDP bình quân đầu người tăng từ 18,24 triệu đồng năm 2011 lên 23,08 triệu đồng năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ18,92% (năm 2011) xuống 11,22% (năm 2014). Hội nghị đã chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân tồn tại và đề ra định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Tổng danh mục các dự án lớn cụ thể để thu hút đầu tư giai đoạn này là 26, với tổng nguồn vốn khoảng 12,5 triệu tỷ đồng. Về nguồn vốn, bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên, cần tập trung vào nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ và ODA, FDI.