Xây dựng Đắk Lắk thành trung tâm của Tây Nguyên

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Y Dhăm Enuôl (ảnh), Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk về những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới.


* Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà tỉnh Đắk Lăk đã đạt được trong thời gian qua.

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở cao nguyên phía tây miền Trung, có diện tích tự nhiên 13.125 km2, với hơn 1,8 triệu dân của 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm qua, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, chung lưng, đấu cật, vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng cuộc sống. Từ một vùng đất hoang sơ “rừng thiêng, nước độc”, nhưng với đức tính cần cù, lao động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xây dựng Đắk Lắk thành vùng đất phì nhiêu màu mỡ.

Sau ngày giải phóng (năm 1975), Đắk Lắk với một vùng đất đai rộng lớn, nhưng dân cư và lao động thưa thớt, cơ sở kinh tế, hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì. Cây công nghiệp dài ngày (chủ yếu là cà phê, cao su) chỉ có 16.056 ha, trong đó cây cà phê có11.563 ha, với gần 200 ha lúa nước. Ngành công nghiệp Đắk Lắk lúc bấy giờ chỉ có 1 trạm Điezel ở thị xã Buôn Ma Thuột, công suất trên 1.000 KW, 2 trạm thủy điện: Đray H’Linh 450 KW và Ea nao 280 KW, chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt, một nhà máy cấp nước sinh hoạt ở thị xã Buôn Ma Thuột, với công suất 5.000 m3/ngày/đêm cùng một số cơ sở chế biến gỗ với công nghệ nghèo nàn, lạc hậu. Mạng lưới giao thông đường bộ chủ yếu là 2 trục quốc lộ 14 và 26 đã xuống cấp, hư hỏng nặng, đời sống nhân dân nhìn chung rất khó khăn, đồng bào các dân tộc thường xuyên bị thiếu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt.

Sau 40 năm giải phóng, đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tinh thần Chiến thắng 10/3/1975, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo ra thế và lực mới cho Đắk Lắk trên chặng đường phát triển.


Nền kinh tế của Đắk Lắk giai đoạn 2011- 2013 đã có bước phát triển cao hơn so với tăng trưởng bình quân chung cả nước. Ngay trong năm 2014, mặc dù do tác động suy thoái của nền kinh tế thế giới, gặp nhiều bất lợi của thiên tai nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục có bước phát triển. Tổng sản phẩm xã hội đạt 37.700 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31,4 triệu đồng/năm. Tỉnh tiếp tục cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa 95% các tuyến đường tỉnh, 73% hệ thống tuyến đường huyện và 38% đường xã, liên xã, 100% xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, 95% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia, trong đó có gần 97% số hộ gia đình được dùng điện…

Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng của các ngành nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng dần. Nông, lâm, thủy sản chiếm 45%, công nghiệp, xây dựng chiếm 16,7%, dịch vụ chiếm 38,3%. So với năm 2013, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm mạnh gần 6%, trong khi đó, các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng khá. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển khá, giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hiện nay, Đắk Lắk có trên 204.390 ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên, trở thành địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất trong cả nước. Tỉnh cũng có trên 40.169 ha cao su, sản lượng mỗi năm đạt gần 30.000 tấn mủ cao su khô trở lên, có 15.475 ha cây hồ tiêu, sản lượng đạt từ 22.500 tấn tiêu hạt trở lên, mỗi năm tỉnh đạt trên 1,257 triệu tấn lương thực, không những đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ mà còn xuất bán cho các địa phương khác trong cả nước. Hiện nay, tỉnh có trên 94.989 ha lúa nước gieo sạ trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu, với trên 737 công trình thuỷ lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ thâm canh cây trồng. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã đưa nhiều giống mới, giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng trọt, chăn nuôi cùng với việc đầu tư xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất tốt, hiệu quả kinh tế cao đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, diện mạo của các buôn làng. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển. Hiện nay, tỉnh đã có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí. Toàn tỉnh đạt 1.159/2.888 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 40%, bình quân đạt 7,6 tiêu chí/xã. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng đã tự nguyện đóng góp trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Công nghiệp và xây dựng tiếp tục phát triển đúng hướng. Chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp đã được xây dựng và bước đầu triển khai đạt một số kết quả, tạo được những sản phẩm công nghiệp có chất lượng, giá trị tăng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Công tác đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã được chú trọng, nhất là đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy chế biến nông sản có công suất lớn, công nghệ hiện đại đã đi vào sản xuất như chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan có công suất từ 10.000 - 60.000 tấn sản phẩm/năm. Trên địa bàn tỉnh có một khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng được quan tâm nhiều hơn. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đáp ứng tốt các hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ, hệ thống khám chữa bệnh từng bước được củng cố, tăng cường, 100% số trạm y tế xã đều có bác sĩ, các thôn, buôn đều có nhân viên y tế, trên 70% số xã đạt chuẩn về các bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành văn hóa thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông được quan tâm đáp ứng nhu cầu học tập, truyền tải kịp thời các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nhu cầu nằm bắt thông tin về kinh tế, xã hội của nhân dân. Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện và có nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Đắk Lắk còn 12,75%, giảm 2,1% so với năm 2013. Các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội được thực hiện khá tốt và phát huy hiệu quả, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều chuyển biến tốt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên, niềm tin của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc vào sự nghiệp đổi mới ngày càng được củng cố…

* ´Hướng phát triển của Đắk Lắk trong thời gian tới sẽ tập trung vào khâu nào thưa ông?

Trong thời gian đến, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đắk Lắk cũng thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, xây dựng Đắk Lắk vững mạnh toàn diện, hướng đến mục tiêu sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên, xứng đáng với truyền thống quê hương 10/3 anh hùng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước mắt, ngay trong năm 2015, Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Duy trì thường xuyên tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, phấn đấu thực hiện các mục tiêu , nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 đạt kết quả cao nhất. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Triển khai quyết liệt các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, chính sách an sinh xã hội, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau xây dựng Đắk Lắk giàu về kinh tế, đảm bảo vững mạnh về quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông.

Quang Huy (thực hiện)
Đắk Lắk sẽ là thủ phủ  cà phê của cả nước
Đắk Lắk sẽ là thủ phủ cà phê của cả nước

Đắk Lắk đã tập trung các nguồn lực khai thác tốt tiềm năng đất đai để phát triển cây cà phê và trở thành thủ phủ cà phê của cả nước, có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhiều nhất Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN